“Về đây một sáng tháng Tư/ Người tôi muốn gặp… lại vừa… đi xa” Tôi thật không dám nghĩ rằng, một câu thơ viết cách đây 17 năm khi đến thăm phòng truyền thống BIDV lại là nỗi niềm thương nhớ hôm nay: Anh Phạm Học Lâm, người Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam vừa mới rời đi về miền mây trắng với 95 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng. Với thế hệ hậu sinh chúng tôi, anh đã sống một cuộc đời trọn vẹn, một cuộc đời rực rỡ đam mê.
Ông Phạm Học Lâm – Nguyên TGĐ BIDV, viết lưu bút tại Phòng truyền thống
Người đặt nền móng cho hệ thống BIDV ở miền nam
Cả đời làm công tác đầu tư – tài chính, Anh Phạm Học Lâm là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống Ngân hàng Đầu tư tại khu vực phía Nam những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước.
Anh là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc cuối năm 1954. Với năng khiếu giỏi tính toán, Anh nhanh chóng được cử đi Liên Xô học tập tại Trường Đại học Tài chính Moscow.
Anh về Ngân hàng Kiến thiết ngay khi du học về và gắn bó với giai đoạn khó khăn vừa xây dựng Miền Bắc, vừa chi viện cho giải phóng Miền Nam. Sau ba năm làm việc tại Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Anh tiếp tục được trên cử đi Liên Xô học nghiên cứu sinh về tài chính – đầu tư để chuẩn bị nhân sự cấp cao cho bộ máy tài chính, phục vụ tái thiết đất nước.
Những năm đầu sau thống nhất đất nước, với nhiệm vụ phải hình thành mạng lưới các chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết ở các tỉnh phía Nam. Anh vừa là Giám đốc chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, vừa là Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, nên vừa thay mặt Ban lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, vừa ổn định tổ chức, cán bộ vừa triển khai nghiệp vụ của các chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ… phục vụ công cuộc khôi phục kinh tế và tái thiết đất nước. Thật là bề bộn, vất vả.
Anh đã từng là Giám đốc đầu tiên của chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết, thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày đầu thành lập năm 1976 sau giải phóng.
Anh là Phó Tổng Giám đốc đầu tiên thuộc thế hệ mới của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam được bổ nhiệm và có học vị cao nhất lúc đó (Phó tiến sỹ kinh tế tài chính của Liên xô)
Anh là người Ngân hàng Kiến thiết đầu tiên được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc (Phó Thống đốc) và Tham gia vào Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Anh là người Ngân hàng Kiến thiết đầu tiên được bầu là Đại biểu Quốc hội (khóa V – VI – VII) nước CHXHCN Việt Nam.
Anh là người con của Ngân hàng Kiến thiết đầu tiên làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Quốc tế MIB (tại Liên bang Nga).
Anh là cũng người con của Ngân hàng Kiến thiết đầu tiên được nhận Huân chương độc lập của nước CHXHCN Việt Nam.
Và đặc biệt, Anh là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Đầu tư Xây dựng Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu chuyển hệ, đổi tên.
Những người cán bộ Ngân hàng Kiến thiết cùng lứa với tôi, được trực tiếp làm việc, làm cán bộ của Anh khoảng 10 năm (1975 – 1985) những vẫn được đón Anh vào mỗi dịp kỷ niệm ngành, vẫn đến chào Anh mỗi khi vào thành phố Hồ Chí Minh… Năm mươi năm qua, tình cảm của Anh và chúng tôi vẫn luôn gắn liền với một thuở Ngân hàng Kiến thiết thân thương như chưa hề xa cách.
Thứ trưởng hai Bộ, khai sinh Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng
Bước sang năm 1980, trước nhu cầu tập trung toàn bộ hệ thống tiền tệ vào một ngân hàng thống nhất để thực hiện các nhiệm vụ cấp phát và cho vay nền kinh tế được đặt ra. Anh Phạm Học Lâm một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược của một chuyên gia tài chính gạo cội. Ngay khi vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, công việc đầu tiên Anh làm là kiến nghị sáp nhập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (thuộc Bộ Tài chính) với Quỹ đầu tư (thuộc Ngân hàng Nhà nước) và thành lập Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng trực thuộc NHNN Việt Nam.
Tháng 6/1981, Chính phủ chấp thuận kiến nghị này và Anh chính thức được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc NHNN Việt Nam (tương đương Phó Thống đốc hiện nay) kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng và bắt đầu chèo lái con tàu lớn của ngành ngân hàng này vào quỹ đạo đổi mới. Lúc này là giai đoạn vật vã đổi mới, chuyển đổi mô hình tổ chức, mô hình quản lý, đổi mới quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản với việc áp dụng thử nghiệm một loạt cơ chế quản lý vốn – mà chưa có tiền lệ.
Lúc đó, chỉ là những cán bộ nên chúng tôi không hình dung hết, nhưng hiểu rằng, là Tổng Giám đốc nên Anh vừa lo công việc, vừa lo ổn định tư tưởng cán bộ cả hệ thống, an tâm, hòa nhập vào môi trường mới, các mối quan hệ mới trong giai đoạn đầu sáp nhập, chuyển hệ – Chúng tôi hiểu, là phó Thống đốc ngân hàng nhà nước, Anh vừa là đại diện của Ngân hàng Kiến thiết vừa thuyết phục Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiểu hơn, đồng cảm hơn về con người, về công việc của Ngân hàng Kiến thiết. Anh như cầu nối giữa hai hệ thống, làm hài hòa các mối quan hệ, tăng sự đồng cảm, hiểu biết lẫn nhau, vì mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ chính sự nhân hậu, khiêm nhường, bình dị, chân thành, lặng lẽ lắng nghe, thuyết phục, gần gũi của Anh đã giúp Anh thành công vai trò đại diện và cầu nối.
Người Anh thân thiết
Chúng tôi thường gọi đùa là Anh Rể và có chút thân thiết gần gũi hơn so với các bậc lãnh đạo khác. Và vợ Anh, chị Thanh Hương, là đàn chị, học trên tôi một khóa. Hai anh chị nên duyên ở Ngân hàng Kiến thiết Trung ương khi Chị là cán bộ chuyên quản còn Anh là Trưởng phòng Cấp phát. Anh Chị có tướng phu thê, tướng mạo hao hao, tính nết cũng giống nhau: Trầm tĩnh, nhẹ nhàng, giản dị, sống lặng lẽ, không phô trương, không tranh chấp, sống chân thành, hòa đồng. Mỗi lần đến thăm Anh Chị, ngắm nhìn cuộc sống hòa thuận, an bình, chăm sóc nhau chu đáo, được nghe tiếng cười ròn rã và tiếp đón chân tình, chúng tôi thường ngưỡng mộ “cặp đôi hoàn hảo” và nghĩ rằng Anh là người may mắn. Dẫu ở các chức vụ cao nhưng tình cảm Anh Em không hề cách biệt. Có lẽ vì vậy mà 50 năm qua, từ trẻ đến lúc ở độ tuổi U100, chúng tôi vẫn gọi Anh là Anh Lâm như thuở nào, thân thiết như thuở nào.
Nếu như Bác Trịnh Huy Quang là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Kiến thiết và sau này Anh Chu Văn Nguyễn là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thì Anh Phạm Học Lâm là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam. Cùng với Bác Phan Minh Tuệ, bác Phạm Mai, Anh là một trong những người con từ Ngân hàng Kiến thiết trưởng thành là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Kiến thiết thời đó.
Và hôm nay, người cuối cùng đó đã đi xa: Anh đã kịp chứng kiến những gì thế hệ các Anh từng mong mỏi. Anh được chứng kiến từ Ngân hàng Kiến thiết… đến Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng… đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam…đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam… chứng kiến suốt hành trình lịch sử phát triển với bao thăng trầm, thăng hoa, tỏa sáng… chứng kiến sự trưởng thành của các lớp đàn em tiếp nối làm rạng rỡ BIDV đến những đích mới, chinh phục những đỉnh cao mới trên hành trình hội nhập.
Anh hẳn vui vì biết rằng trong lòng chúng em, những người con của Ngân hàng Kiến thiết, và Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng thuở ấy vẫn có Anh – Người thủ trưởng kính mến và người Anh thân thiết. Hẳn là Anh thanh thản – Hẳn là Anh an lòng. Chúng em không lãng quên Anh – Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam không quên Anh.