Trong những cuộc trò chuyện với tôi, dù kiên cường nhưng cũng nhiều lần Lê Thảo Duyên khóc không kìm nén được
Hàng xóm bảo rằng Duyên đã bốn lần mồ côi, cả thanh xuân cô độc, nhưng chưa bao giờ ngừng nỗ lực. Cứ biến cố đến, Duyên lại đối diện và vượt qua.
Lê Thảo Duyên (19 tuổi, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) sắp bước vào đại học, không cha mẹ hay người thân thích động viên. Duyên còn là mẹ của Gạo – đứa con mà với cô là trời cho mình để không còn đơn độc sống trên đời.
Rẽ vào cuối ngõ nhỏ ở thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, nhìn thấy căn nhà bỏ hoang. Tiếp tục rẽ theo lối nhỏ bên hông căn nhà hoang ấy sẽ đến nhà Duyên. Thật khó hình dung Duyên đã sống trong căn nhà nhỏ bé, xuống cấp, hư hỏng, cánh cửa nào cũng chắp vá ấy gần cả đời.
Duyên vừa đi dạy luyện chữ đẹp về, cô vội mở máy tính viết tản văn để gửi cho một đài truyền hình. Duyên khoe viết tản văn cộng với rất nhiều nghề khác đã giúp cô tồn tại được. Trong ngôi nhà của Duyên có bàn thờ bà ngoại, cha, mẹ và cha của con mình.
Ba Duyên người Thái Bình, năm 2003 vào Quảng Ngãi làm việc rồi cưới mẹ Duyên.
Cuộc hôn nhân ấy chẳng êm đềm. Năm 2005, Duyên ra đời ở Thái Bình. Tết năm 2006, mẹ dắt con về Quảng Ngãi. Cuộc sống khó khăn, mẹ bỏ Duyên lại cho bà ngoại chăm, rồi vào Nam làm thuê.
Năm 2008, ba vào đưa Duyên về Thái Bình. Đến năm 2010, cô lại được trả về Quảng Ngãi cho bà ngoại chăm.
Cha một nơi, mẹ một ngả, năm 2013, khi Duyên 8 tuổi, bà ngoại sức khỏe yếu, một lần nữa Duyên theo xe đò ra Thái Bình sống với ba. Năm 2016, khi Duyên 11 tuổi, cô lại được đưa về Quảng Ngãi và sống mãi đến giờ.
“Đời tôi như trái bóng, cha mẹ chuyền qua chuyền lại mãi. Chưa thích nghi được chỗ này lại được chuyển đến chỗ khác. Ký ức tuổi thơ buồn”, Duyên tâm sự.
Lý do năm 2016 Duyên vào và ở lại căn nhà tình thương mãi đến giờ bởi bà ngoại đã yếu, cần người chăm sóc. Thời gian ở với bà ngoại với Duyên là hạnh phúc nhất, bởi cô nhận được yêu thương. Ngoại kể cho cô nghe những chuyện của làng, dặn Duyên ngủ sớm, hỏi thăm lúc cô bị cảm… – những điều cô chưa từng nhận được trước đó.
Bà ngoại mất đi bỏ lại cháu. Năm 2017, bà ngoại qua đời. Duyên đơn độc trong căn nhà ấy, sống nhờ vào tấm lòng của dì dượng ở gần đó.
Mẹ trở về rồi mất. Cuối năm 2018, bệnh tiểu đường của mẹ biến chứng nặng, mẹ rời miền Nam về sống cùng Duyên.
“Lúc mẹ về, bệnh tiểu đường biến chứng phù thận, gần như nằm liệt. Không tiền nên cứ ai nói loại cây gì có thể chữa tiểu đường, tôi lại tìm hái về nấu cho mẹ uống. Có lúc, thấy mẹ khỏe lại tôi rất hy vọng. Nhưng đến năm 2020 mẹ cũng rời bỏ tôi”, Duyên rơm rớm.
Cô bảo khi mẹ đau và những ngày mẹ qua đời, cô may mắn có được một người bạn đồng hành – đó là Kiên, người học trên cô 3 lớp. Lúc mẹ mất, Duyên vừa bước vào lớp 10.
Bạn trai gặp tai nạn qua đời. Thời gian khủng hoảng nhất đời cô, Kiên luôn bên cạnh.
“Kiên tốt với tôi lắm, anh động viên tôi đi học. Những lần trời đổ dông, sấm chớp nổi lên khiến tôi sợ, Kiên cũng bên cạnh. Tôi biết ơn nhất là lúc mẹ không còn đứng dậy được, chính Kiên đã lau người, chăm sóc mẹ tôi từng thìa cháo”, Duyên tâm sự.
Với những cảm xúc đầu đời ấy, cô có bé Gạo năm 2021. Sau đó không lâu, Kiên đi lột vỏ keo, bị cây keo đập trúng người và qua đời. Lúc nghe tin, Duyên gào khóc, cô không tin dù đó là sự thật.
Và cha cũng ra đi. Nỗi đau chưa kịp nguôi, năm 2022, Duyên lại nhận tin, ôm con ra Thái Bình chịu tang cha. “Ba em cũng bị tiểu đường và biến chứng như mẹ”, Duyên nói.
Chỉ còn lại đứa con bé bỏng
Nghe về cuộc đời của Duyên, tôi nghĩ có lẽ mình chẳng hiểu được hết Duyên nghĩ gì, bởi cuộc đời cô bi kịch và cô độc đến thế.
Lúc Duyên đi đón con ở trường mầm non về, nhìn Duyên và Gạo hạnh phúc, mới hiểu vì sao Duyên bảo Gạo là trời cho cô để không phải sống cuộc đời cô độc. Duyên cũng khẳng định có Gạo là sai lầm của tuổi mới lớn và khuyên mọi người đừng như mình. Tuổi của Duyên đáng ra chỉ chú tâm học tập, chưa thích hợp để sinh con.
“Tôi biết mình chưa thật sự làm mẹ. Tôi giống như chị của Gạo vậy. Gạo thiệt thòi hơn bạn bè nhiều, cũng bởi tôi là một người mẹ trẻ con”, Duyên tâm sự.
Cuộc đời quá sóng gió, dẫu vậy, phần lớn cuộc trò chuyện Duyên luôn cười. Gạo đã 3 tuổi, Duyên cũng không vất vả chăm sóc như trước. Duyên không nhớ hết những việc mình từng làm để kiếm tiền, chỉ có thể liệt kê như: may, viết tản văn, làm gia sư, phục vụ nhà hàng, rửa chén quán ăn, bưng bê cà phê, môi giới bán đất…
Chị Nguyễn Thị Hằng, bí thư Đảng ủy xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh nhiều năm làm ở Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi, bảo rằng Duyên từng đi xin sữa, bỉm cho con. Điều chị Hằng ấn tượng nhất là đi đâu Duyên cũng dắt Gạo đi. “Dù còn nhỏ, nhưng Duyên chưa bao giờ bỏ bê con. Chúng tôi thương Duyên vì rất nỗ lực và trách nhiệm”, chị Hằng nói.
Còn bà Bê (hàng xóm) nói về Duyên bằng sự cảm phục. Trong mắt bà, Duyên vẫn là một đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi, nhưng sống rất sẻ chia và tình cảm. Có lần mọi người cho Gạo rất nhiều sữa, Duyên còn mang qua cho cháu bà Bê.
“Con Duyên tới bốn lần mồ côi, nhưng nó học giỏi lắm. Bằng khen, giấy khen, học bổng… rất nhiều. Thiệt tình, tôi rơi vào hoàn cảnh nó, có khi nghỉ học đi làm công nhân rồi. Giờ nghe nó sắp vô đại học, mừng mà lo. Bữa tôi hỏi con đi học rồi để Gạo cho ai, nó nói con mang Gạo đi học cùng, nếu vất vả quá thì con gửi cho cha mẹ một người bạn học chăm giúp”, bà Bê nói.
Duyên nhớ lý do mình nghỉ học một năm rồi tiếp tục đi học bởi lúc đó cô đang đi may thuê, thấy bạn đi học ngang qua, cô tự hỏi “ủa sao mình phải nghỉ học, không học sau này lấy gì nuôi con”. Rồi trong một lần khác, cô nghe thầy Tình, chủ nhiệm lớp 10, nói với bạn: “Con Duyên học giỏi mà nghỉ, thật sự quá tiếc”. Thế là Duyên quay trở lại trường. Thầy cô thương, xin học bổng, giúp đỡ rất nhiều.
Ngày Duyên nói sẽ viết đơn xin đi học lại, thầy Tình (giáo viên Trường THPT Ba Gia) rưng rưng. Thầy đến nhà hiệu trưởng nói giúp Duyên. Năm học 2022-2023, Duyên học lại lớp 11 trong ánh mắt dò xét, bởi ai cũng nghĩ với tình cảnh đó, Duyên khó trụ được.
Nhưng không, Duyên đã chứng minh điều ngược lại, cô học giỏi, nỗ lực tột cùng. Thầy cô, phụ huynh, bạn bè bất ngờ, rồi dần khâm phục và yêu thương. Thầy Tình kể: “Nhà tôi cách nhà Duyên tầm 1km. Nhiều hôm Duyên gọi nói “thầy nấu cơm em về ăn với”. Thế là tôi gọi về cho vợ nấu, mẹ con Duyên về ăn, rất thương”.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR ở hình bên.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/mot-cuoc-doi-dau-nhu-phim-nhan-vat-chinh-hom-nay-trung-tuyen-3-truong-dai-hoc-20240813065852282.htm