NGÀNH Y TẾ HÀ TĨNH PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA ĐẠI DANH Y
Là quê hương của Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác, tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phổ biến, phát triển tinh hoa y học cổ truyền Việt Nam kết hợp với y học hiện đại. Bên cạnh đẩy mạnh việc kế thừa và nhân rộng các bài thuốc quý của Đại danh y, Hà Tĩnh đã quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, đặc biệt là việc phát huy giá trị y đức, y thuật của Đại danh y.
Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Minh Đức cho biết, phát huy giá trị y đức của Đại danh y cùng với việc thực hiện tư tưởng y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã luôn “đoàn kết”, “thật thà”, “yêu thương người bệnh”, cụ thể hóa lời răn của Đại danh y và lời dạy của Bác Hồ thành những việc làm thiết thực, sáng tạo.
Vận dụng và thực hiện tốt bốn nguyên lý cơ bản của y đức bao gồm: Tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh, có lòng nhân ái; không gây tổn hại cho người bệnh; bảo đảm công bằng và bốn nguyên lý cơ bản của y nghiệp đó là: Đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, rèn luyện tay nghề và trau dồi kiến thức, tự điều chỉnh bản thân, có trách nhiệm với xã hội.
“Ngành đã thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người dân” gắn với việc xây dựng chuẩn mực đạo đức người cán bộ y tế Hà Tĩnh theo các tiêu chí “ba xây, ba chống và ba biết” và phát động thành phong trào thi đua.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân cốt lõi để ngành Y tế Hà Tĩnh thực sự tạo được mối đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần dân chủ trong xây dựng và phát triển. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng “giỏi chuyên môn, giàu y đức”, gương “người tốt việt tốt”, những nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân.
Chỉ tính riêng phong trào hiến máu trong 5 năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hơn 1.000 lượt cán bộ y tế hiến máu cứu sống người bệnh, trong đó có hàng chục người hiến máu từ 5 lần trở lên.
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh chia sẻ: Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh trên quê hương của Đại danh y Lê Hữu Trác, đây vừa là niềm tự hào vừa là nỗi trăn trở làm sao có thể phát huy được hết những giá trị, những di sản quý báu mà Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho hậu thế. Vì thế, suốt nhiều năm qua, mỗi một cán bộ nhân viên bệnh viện luôn thầm nhuần y đức, y đạo, y thuật của Đại danh y, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn. Bệnh viện luôn lấy 9 Điều y huấn cách ngôn làm kim chỉ nam cho hành động.
Song song với việc học tập, phát huy di sản y đức của Đại danh y, để thiết thực Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác, ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông tại các cơ sở y tế, bao gồm các nội dung dựng tượng Hải Thượng Lãn Ông tại vườn hoa trong khuôn viên cơ sở y tế; xây dựng phòng truyền thống/phòng lưu niệm bổ sung tượng, ảnh chân dung Hải Thượng Lãn Ông, trưng bày các tư liệu, trước tác, di sản, đồng thời thiết kế, in ấn, gắn bia 9 điều y huấn cách ngôn và các lời răn của Đại danh y.
Không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông là sự tri ân những công lao, cống hiến to lớn, là nơi lưu giữ, lan tỏa giá trị di sản của Đại danh y, đồng thời là nơi giáo dục, bồi đắp truyền thống lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước. Mỗi một cán bộ nhân viên y tế khi đến dâng hương, tham quan, nghiên cứu tại không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông càng thấm nhuần y đức, y đạo, y thuật của Đại danh y, từ đó để vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn trong quá trình hành nghề.
Hoạt động xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông đã được nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai gắn với việc xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp.
Điển hình trong xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hải Thượng Lãn Ông là các đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn, Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, Trạm Y tế xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), Trạm Y tế xã Sơn Kim I (huyện Hương Sơn),…
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cho biết, thực hiện vai trò của một bệnh viện chuyên khoa tuyến, thời gian qua, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đã ứng dụng và kết hợp y học hiện đại vào công tác khám, chữa bệnh nhưng vẫn giữ vững và phát huy thế mạnh của y học cổ truyền trong điều trị; xây dựng nhiều bài thuốc nam bằng nguồn dược liệu sẵn có trên địa bàn; qua đó làm phong phú các bài thuốc quý trong chữa bệnh nhằm thực hiện tốt phương châm “Nam dược trị nam nhân”.
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm bệnh viện điều trị cho trên 10.000 lượt bệnh nhân nội trú, trong đó nhiều diện bệnh là thế mạnh của bệnh viện như: Điều trị di chứng tai biến mạch máu não, liệt do các nguyên nhân khác, bệnh lý xương khớp, thần kinh ngoại vi…
Bà Nguyễn Thị Đào, 78 tuổi (trú tại Đà Lạt) khi về quê ngoại thăm gia đình thì được người em giới thiệu đến điều trị bệnh xương khớp tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh. Bà Đào chia sẻ: Đến nay, sau 2 đợt điều trị 25 ngày bằng các phương pháp y học cổ truyền tại đây, sức khỏe của bà đã được cải thiện hơn rất nhiều. Bệnh viện không chỉ sạch sẽ, chuyên môn giỏi mà thái độ phục vụ cũng rất tận tâm, xứng danh “thầy thuốc là mẹ hiền”.
Theo chia sẻ của đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, với phương châm “Phát triển nền y, dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại”, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có sự quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện đã được Cục Quản lý Dược công bố đủ tiêu chuẩn chế biến, bào chế vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền theo quy định của Bộ Y tế.
Kế thừa sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, Bệnh viện đã sử dụng hơn 150 vị thuốc, bào chế hàng chục bài thuốc, sản xuất được các loại thuốc dưới dạng viên hoàn mềm, trà túi lọc, thuốc bột, thuốc bột xông hơi,…
Bệnh viện đồng thời hợp tác với Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh trong việc nghiên cứu, bào chế và ứng dụng các sản phẩm mới trong điều trị bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não, liệt do các nguyên nhân, bệnh lý xương khớp, thần kinh ngoại vi. Nhiều bài thuốc cổ phương được sử dụng có hiệu quả như Lục vị, Bát vị, Bổ trung ích khí, Thiên ma câu đằng ẩm, Độc hoạt tang ký sinh,…
Theo chia sẻ của Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Nguyễn Minh Đức, ngoài Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh là bệnh viện chuyên khoa hạng II với quy mô 160 giường bệnh, đến nay, hệ thống khám, chữa bệnh y dược học cổ truyền tỉnh Hà Tĩnh được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.
Toàn tỉnh hiện có 17 bệnh viện/trung tâm y tế có khoa Y học cổ truyền; 79 phòng khám Y học cổ truyền tư nhân, 10 phòng khám đa khoa tư nhân có khoa y học cổ truyền, 31 cơ sở kinh doanh thuốc thành phẩm y học cổ truyền tư nhân; tuyến xã có 168/216 trạm y tế triển khai khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tổng số cán bộ y tế trong lĩnh vực khám, chữa bệnh y học cổ truyền là 1.172 người, trong đó có 15 bác sĩ chuyên khoa II, 76 thạc sĩ/bác sĩ chuyên khoa I, 174 bác sĩ, 514 hội viên Hội Đông y bảo đảm đủ năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh về y học cổ truyền cho nhân dân.
Qua tìm hiểu, được biết, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 13/13 địa phương cấp huyện xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng dược liệu với hơn 1.000 héc-ta để trồng các dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như Kim tiền thảo, Mộc hoa trắng, Sâm bố chính, Mã đề, Ích mẫu, Diệp hạ châu, Xạ can,…; các trạm y tế đều có vườn thuốc nam với chủng loại trên 40 cây thuốc để chữa bệnh thông thường theo quy định của Bộ Y tế.
Tại huyện Hương Sơn, quê ngoại của Hải Thượng Lãn Ông đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch “Chăm sóc sức khỏe gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Lê Hữu Trác – Danh nhân văn hóa thế giới” thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Huyện đã đầu tư, phát triển các vườn dược liệu trong quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (nhà thờ, khu mộ và tượng đài); tái hiện không gian phòng khám chữa bệnh, chế biến thuốc, cắt thuốc, bốc thuốc; giới thiệu các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông; hình thành một số cơ sở khám chữa bệnh đông y, cơ sở cung cấp dịch vụ kết hợp với du lịch chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông.
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn đã trở thành sự kiện văn hóa tâm linh hấp dẫn thu hút du khách vào dịp mùa xuân hằng năm.
Giám đốc Công ty Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh (HADIPHAR) Lê Quốc Khánh cho biết, với nhà máy sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, GLP, GSP, hàng năm, Công ty đã ký kết hợp tác với các địa phương trong tỉnh triển khai trồng, thu mua dược liệu để bào chế các sản phẩm. Nhờ nguồn nguyên liệu được nuôi trồng, thu hái tại địa phương theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của GACP-WHO và được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, nhiều sản phẩm đông dược của Hà Tĩnh được đánh giá cao về chất lượng, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, một số sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài; tiêu biểu như: Mộc hoa trắng, Hoàn xích hương, Viên ngậm thông phế HADIPHAR, Ích trí HADIPHAR, Viên nang Sâm nhung, Phong tê thấp HT,…. trong đó các sản phẩm Mộc hoa trắng, Hoàn Xích Hương, Phalintop và Sirnakarang được Bộ Y tế công nhận sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”.
Kế thừa các phương thuốc cổ truyền của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, những năm qua, Hội Đông y Hà tĩnh đã vận động hội viên sưu tầm, nghiên cứu, ứng dụng nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý, phổ biến sử dụng trong nhân dân và đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như các bài thuốc: Ngân kiều tán gia giảm, Sài hỗ sơ can thang gia giảm, Tiêu giao thang gia giảm, Kinh phòng bại độc tán gia giảm. Đặc biệt, bài thuốc “Ngân kiều tán gia giảm” điều trị hiệu quả cho hơn 20.000 bệnh nhân COVID -19…góp phần đắc lực trong quá trình hồi phục, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong và ngoài địa bàn Hà Tĩnh.
Nguồn: https://nhandan.vn/dai-danh-y-hai-thuong-lan-ong-mot-cuoc-doi-cao-dep-mot-di-san-do-so-post852594.html