Không áp lực lãi vay
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tổng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group, mã chứng khoán: SGR), ông Đặng Văn Phúc, Phó tổng giám đốc thường trực, thừa nhận năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn có thuận lợi riêng.
Các khó khăn được chỉ ra như thủ tục pháp lý kéo dài, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai các dự án bị chậm, vốn đầu tư cao… Doanh nghiệp bất động sản trên thị trường gặp khó về dòng vốn tín dụng, áp lực về việc đáo hạn trái phiếu, lãi suất ngân hàng tăng cao…
Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng công ty ông có thuận lợi là dư nợ vay ngân hàng thấp, áp lực về lãi vay của công ty không lớn. Nguồn vốn chủ sở hữu của công ty mặc dù đã tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp so với quy mô cũng như số lượng dự án đang đầu tư
Theo báo cáo, tại ngày 31/12/2022, hệ số nợ/tổng tài sản của công ty là 56%, giảm nhiều so với con số 65% cuối năm trước. Chỉ số thanh toán nợ ngắn hạn và thanh toán nhanh đều lớn hơn 1, tăng so với năm trước. Điều này cho thấy công ty vẫn đảm bảo khả năng thanh toán đến hạn, không có nợ quá hạn, đáp ứng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, thanh toán nhanh tốt.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đạt 33%, tăng 6% so với năm trước. Nghĩa là với 100 đồng doanh thu thuần, công ty thu về 33 đồng lợi nhuận. Hay tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) là 10,8%, tăng 8% so với năm trước, tức 100 đồng tài sản đem về gần 11 đồng lợi nhuận.
Ban lãnh đạo đánh giá với một năm bất ổn như 2022, các chỉ số này khẳng định khả năng hoạt động hiệu quả cao, tăng trưởng so với năm trước.
Saigonres Group tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, đã có 40 năm hình thành và phát triển, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Niêm yết cổ phiếu HoSE vào năm 2018, công ty có 4 cổ đông lớn là ông Phạm Thu (Chủ tịch HĐQT, sở hữu gần 30% vốn), ông Phạm Đình Thành (Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc, sở hữu 6,1% vốn), ông Phạm Tuấn (Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc, con trai ông Phạm Thu, sở hữu gần 5,9% vốn). Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh – REE do nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh làm chủ tịch là cổ đông lớn sở hữu 28,8% vốn. Tổng tỷ lệ sở hữu của 4 cổ đông lớn là 70,8% vốn.
Doanh nghiệp sở hữu quỹ đất 120ha với gần 20 dự án lên kế hoạch gì?
Công ty này quản lý, triển khai thực hiện gần 20 dự án với tổng diện tích khoảng 120ha. Các dự án tiêu biểu như khu nhà ở thương mại Saigonres (TP Vũng Tàu, diện tích 5,6ha), khu nhà ở Văn Lâm – Bình Thuận (Bình Thuận, gần 20 ha), khu đô thị Saigonres Phú Quốc (Phú Quốc, 30ha), khu đô thị sinh thái Việt Xanh (Hòa Bình, 50ha)… Không chỉ có các dự án tại TPHCM, công ty mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành thông qua M&A, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư.
Trong năm 2022, công ty đóng tiền sử dụng đất tại các dự án đã thực hiện như Saigonres Plaza, chung cư An Bình (TPHCM); hoàn thiện pháp lý để tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho khách hàng tại dự án An Phú Đông (TPHCM)… Doanh nghiệp đang bàn bạc để chuyển nhượng 2 dự án cho đối tác là chung cư An Phú Riverview và An Phú Residences (TPHCM), tổng diện tích khoảng 1ha, dự kiến thu về 600-650 tỷ đồng.
Năm 2023, ban lãnh đạo công ty dự báo tình hình thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm tiếp tục gặp khó khăn khi lượng giao dịch thấp, nguồn cung sơ cấp khan hiếm, giá cao. Việc huy động vốn, thanh khoản gặp nhiều khó khăn, một số rào cản vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính… vẫn chưa được tháo gỡ.
Tuy nhiên, Quốc hội dự kiến họp thông qua các luật cơ bản liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở… sẽ sớm giúp tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, thị trường có nhiều cơ hội phát triển. Đánh giá chung, HĐQT nhìn nhận thị trường vẫn gặp khó, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản dẫn đến cắt giảm nhân sự, tái cơ cấu các lĩnh vực đầu tư.
Năm nay, ban lãnh đạo công ty sẽ khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư mở rộng thị trường phía bắc như Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, M&A, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư…
Cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 906 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng, tăng lần lượt 39% và 46% so với năm trước. Tổng giá trị đầu tư 2.340 tỷ đồng, gấp 7 lần năm trước. Nếu công ty hoàn thành mục tiêu, đây sẽ là năm thứ 3 công ty duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận và đạt mức cao nhất từ khi niêm yết đến nay.
Trước đó năm 2022, doanh thu thuần đạt 654 tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước, lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng, gấp gần 5 lần. Công ty giải trình lợi nhuận tăng do tăng doanh thu từ bán dự án tại công ty mẹ, tăng doanh thu lãi tiền gửi, tăng lãi cho vay và chậm thanh toán, tăng lãi hợp tác đầu tư, lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty con.
Chia cổ tức 10% bằng tiền, có kế hoạch tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng
Cổ đông đầu tư cổ phiếu SGR được trả cổ tức cao đều đặn nhiều năm. Trước năm 2020, cổ tức đều trên 15%, thậm chí lên mức 42% năm 2019.
Năm 2022, công ty dự kiến cổ tức 10% bằng tiền, thực hiện chi trả trong quý III/2023. Cổ tức năm 2023 được thông qua tỷ lệ 20% bằng tiền.
Ông Phạm Thu, Chủ tịch HĐQT cho biết việc chi trả cổ tức 10% bằng tiền thời điểm này là một sự cố gắng không hề nhỏ của HĐQT và Ban điều hành. Năm 2023, cổ tức dự kiến là 20% bằng tiền. Việc chi trả cổ tức được tính toán để đáp ứng việc tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 1.500 tỷ đồng vào cuối năm 2023-2024. Hiện tại, vốn điều lệ doanh nghiệp đạt 600 tỷ đồng.
Cổ đông tại đại hội một lần nữa đề nghị HĐQT và Ban điều hành chia cổ tức 2022 tỷ lệ 10% bằng tiền, 20% bằng cổ phiếu để công ty gia tăng nhanh được vốn điều lệ. Ông Thu lý giải để thuận tiện và tiết kiệm cũng như đảm bảo được kế hoạch đề ra, việc tăng vốn sẽ được thực hiện một lần vào năm 2024.