Ngày 14/10, tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh với thanh niên, đại biểu Trần Kim Huyền, Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm, đặt câu hỏi: Công tác cán bộ trong thời gian tới liệu có thể thay đổi trong quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm đội ngũ trí thức vào các cơ quan Nhà nước hay không?
Theo đại biểu Huyền, ngoài việc thực hiện các chế độ đãi ngộ, chế độ lương thì chọn người tài đức phải dựa vào sự tâm huyết, chân thành trong nhận thức cùng với khát vọng cống hiến trong sáng và chính đáng của họ.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết, thành phố luôn quan tâm đến việc thu hút nhân tài vào làm việc với nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ cao.
Tuy nhiên, theo ông Cảnh, do vướng chỉ tiêu biên chế, chính sách tiền lương nên việc tuyển dụng, tiếp nhận sinh viên xuất sắc vào khu vực công còn hạn chế. Những khó khăn này “phần nào được giải quyết” khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1/1/2025.
Ông Cảnh khẳng định, Sở Nội vụ sẽ bám vào Luật Thủ đô để tham mưu thành phố ban hành chính sách trọng dụng nhân tài, trong đó có chế độ tuyển dụng, chính sách tiền lương, điều kiện làm việc, chế độ tuyển chức danh quản lý. Chính sách này dự kiến ban hành trong tháng 6/2025.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, một công chức của thành phố đang phục vụ 684 người dân. So với bình quân chung của cả nước một công chức phục vụ 246 người dân thì tỷ lệ Hà Nội cao hơn 2,7 lần. Căn cứ theo định mức chỉ tiêu biên chế, thành phố được tuyển thêm 3.000 công chức và hàng chục nghìn viên chức.
Theo ông Cảnh, tháng 11/2024, TP Hà Nội sẽ trình HĐND thông qua chính sách tăng thu nhập cho người lao động theo vị trí việc làm. Chính sách này cũng quy định người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được ký hợp đồng với người lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan, đơn vị.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/mot-cong-chuc-ha-noi-phuc-vu-684-nguoi-dan-gap-gan-3-lan-ca-nuoc-20241014220220162.htm