Một con chim hồng hoàng, được mệnh danh là phượng hoàng đất bất ngờ xuất hiện ở khu dân cư TP.Biên Hòa (Đồng Nai), biết là loài chim quý, người dân báo lực lượng chức năng bắt cá thể chim quý, tái thả về Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai.
Hạt Kiểm lâm Biên Hòa vừa tái thả thành công một cá thể chim hồng hoàng về tự nhiên. Đây là loài chim thuộc thuộc nhóm Ib – động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Trước đó, người dân ở tổ 42, khu phố 4, phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa phát hiện một con chim màu đen, có phần mỏ màu vàng rất lớn thường xuyên bay về đậu trên ngọn cây, đường dây điện trong khu dân cư.
Tò mò về con chim lạ, một số người lên mạng tìm hiểu thì biết đây là chim hồng hoàng quý hiếm nên đã báo cơ quan chức năng.
Nhận định khu vực chim hồng hoàng xuất hiện trong khu dân cư (giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Dương) không phù hợp với sinh cảnh loài và có nguy cơ bị đe dọa, Hạt Kiểm lâm Biên Hòa phối hợp với Công an phường Tân Hạnh và người dân bắt được cá thể chim quý hiếm.
Cá thể chim hồng hoàng nặng khoảng 1,5kg, đã trưởng thành. Sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe tốt, Hạt Kiểm lâm Biên Hòa tiến hành tái thả chim về tự nhiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai.
Trước khi tái thả, chim hồng hoàng cũng được mang đến giới thiệu tại Trường mầm non Phong Lan (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) để giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em.
Hồng hoàng có tên khoa học Buceros bicornis, là loài chim mỏ sừng lớn nhất trong họ Hồng hoàng, với trọng lượng có thể lên đến 4kg, đạt chiều dài cơ thể 90-122cm. Những con trưởng thành có sải cánh rộng đến 1,6m.
Là loài ăn tạp, món ăn ưa thích của hồng hoàng là hoa quả, sâu bọ, côn trùng, thậm chí một số loài gậm nhấm nhỏ và cả các loài chim nhỏ khác. Thường sống thành đôi trong suốt cuộc đời, nên hồng hoàng còn được mệnh danh là loài chim chung thủy. Tuy nhiên cũng có khi hồng hoàng hợp thành bầy lên đến 40 cá thể.
Một trong những loài cây được hồng hoàng chuộng trú ngụ và làm tổ vào mùa sinh sản chính là cây tung (còn có tên gọi khác là thung, đăng, búng…).
Hồng hoàng là loài chim chung thủy, ghép đôi và sống một vợ một chồng cả đời. Chim thường đậu ngủ trên các nhánh cây cao, chỉ làm tổ trong các hốc cây từ tháng 2-3 hàng năm để đẻ, ấp trứng và chăm sóc chim non. Chim mái ở trong lấp kín miệng tổ và chỉ rời tổ sau khoảng 3 tháng để cùng chim trống tìm thức ăn cho con và bảo vệ tổ từ bên ngoài. Chim non vẫn còn lưu lại tổ thêm khoảng 1 tháng trước khi sẵn sàng rời tổ.
Với ngoại hình đẹp và độc đáo của mình, từ xa xưa hồng hoàng được nhiều bộ lạc tôn vinh là loài chim quý, có thế lực tối cao.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-con-chim-quy-duoc-vi-nhu-loai-phuong-hoang-lai-chung-tinh-xuat-hien-o-dong-nai-20241109071047715.htm