Theo CNN, vào tháng 6/2021, cuộc đấu giá trực tuyến kéo dài một tuần trên trang Trade Me cho giống cây cảnh trầu bà lá xẻ loại nhỏ, lá nhiều màu khác nhau (tên đầy đủ là Rhaphidophora Tetrasperma, thường gọi là monstera lá nhỏ) đã kết thúc với giá chốt bán kỷ lục 27.100 đô la New Zealand.
Mức giá trên được chốt sau 248 lượt đấu giá và màn so kè quyết liệt giữa tài khoản “foliage_patch” – “meridianlamb”. Cuối cùng, “meridianlamb” đã giành chiến thắng với số tiền 27.100 đô la New Zealand.
Người phát ngôn của trang web đấu giá Trade Me, Millie Silvester, chia sẻ rằng đây là cây cảnh trong nhà đắt nhất mà họ từng bán được.
“Sau một cuộc đấu giá nảy lửa, với hơn 102.000 lượt xem và hơn 1.600 người theo dõi, vào những phút cuối cùng, loài cây quý hiếm này đã bán được giá kỷ lục. Điều cho thấy loài cây cảnh này được yêu thích đến mức nào”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Mô tả về cây cảnh trầu bà quý hiếm, người bán có nick là “Hurley88” cho biết: “Cây có 8 lá với chiếc lá thứ 9 sắp phát triển. Mỗi lá đều có độ uốn lượn tuyệt vời. Thân và rễ đều phát triển khỏe mạnh trong chiếc chậu có đường kính 14 cm”.
Hurley88 nói tình trạng của cây cảnh “đã qua sử dụng” và địa điểm nhận hàng ở Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand.
Được biết, cây cảnh trầu bà này đặc biệt quý hiếm và đắt vì lá của nó pha trộn nhiều màu sắc khác nhau do đột biến. Rhapidophora Tetrasperma có nguồn gốc từ Thái Lan và Malaysia. Khi cây đột biến, lá của nó có nhiều màu khác nhau. Giống cây này được nhà thực vật học người Anh tên là Joseph Dalton Hooker phát hiện lần đầu tiên vào năm 1893. Cây cảnh sinh trưởng và phát triển mạnh khi sống ở nơi có ánh sáng mặt trời gián tiếp và có thể cao tới 3,6m.
Theo ông Millie Silvester, giá trung bình của một cây cảnh trong nhà ở New Zealand đã tăng mạnh kể từ tháng 5/2019. Đặc biệt, giá của các loại cây cảnh quý hiếm, đột biến đã tăng theo cấp số nhân.
Lưu ý khi trồng cây cảnh trầu bà lá xẻ
Thứ nhất là không phơi nắng cây cảnh trầu bà lá xẻ
Trầu bà lá xẻ là loại cây thuộc họ lá cây, nhiều người cho rằng lá của nó xanh tốt thì phải đặt dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng thực tế thì trầu bà lá xẻ là loài cây ưa ánh sáng yếu. Nếu ánh sáng quá mạnh vào buổi trưa sẽ khiến lá của nó bị vàng, ngừng sinh trưởng.
Mỗi ngày vào buổi sáng, bạn chỉ cần để nó ở dưới lưới che nắng khoảng 1-2 tiếng. Trong hai giờ, ánh sáng này đủ cho nó phát triển, đủ để lá của nó vẫn còn dầu và bóng, tốc độ nảy chồi nhanh hơn.
Thứ hai không bón quá nhiều phân đối với cây cảnh trầu bà lá xẻ
Trầu bà lá xẻ là loại cây ưa phân bón nhưng cần bón phân hợp lý, không quá ít cũng không quá nhiều. Cần chọn loại phân bón phù hợp có hàm lượng nitơ cao, bón đều đặn mỗi tháng 2 đến 3 lần, cây sẽ nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng, không ngừng mọc ra những chồi nhỏ từ dưới lên, lá phát triển nhiều dầu hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ phải bón phân trong mùa sinh trưởng, không bón khi nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao.
Thứ ba không để cây cảnh quá khô
Trầu bà lá xẻ là loại cây ưa ẩm điển hình. Nếu để trong môi trường quá khô trong nhà chắc chắn lá sẽ bị biến dạng, vàng và xỉn màu.
Vì vậy nếu để trong nhà, trên cơ sở đảm bảo thông gió, hãy tưới nước một hoặc hai lần một ngày. Nhưng khi tưới nước cũng phải đảm bảo cho đất vừa ẩm là đủ, không nên tưới thường xuyên dễ dẫn đến thối rễ. Bạn cũng không nên tưới ít nước quá mà phải đảm bảo độ thoáng khí và độ thấm nước của đất.
Bên cạnh giá trị sưu tầm, trầu bà có rất nhiều tác dụng như tạo sự bắt mắt, tươi mát cho không gian, hấp thụ khí độc như khói thuốc, khí thải động cơ và máy lạnh… Nó giống như một chiếc máy lọc không khí mini trong gia đình.
Tuy nhiên, nếu trong nhà có trẻ em hoặc thú cưng thì cần cân nhắc để tránh em bé hoặc thú cưng ăn phải cây, dẫn đến những điều không mong muốn. Lý do là bởi cây trầu bà vẫn mang trong mình chất Calcium oxalate. Đây là chất gây tiêu chảy và buồn nôn, gây bỏng rát niêm mạc nhẹ khi ăn phải. Khi trồng nên nhắc nhở và để xa tầm tay của trẻ nhỏ, để tránh gây tổn thương đáng tiếc.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-cay-canh-chi-co-9-la-nhung-gia-gan-nua-ty-dep-co-nao-ma-van-duoc-dai-gia-xuong-tien-mua-20240502124805701.htm