Hãng Reuters hôm 16.6 đưa tin nhiều người dân Trung Quốc đang đổ xô mua các căn hộ giá rẻ ở một số khu vực xa các trung tâm tài chính của đất nước.
“Rẻ như bắp cải”
Ông Hồ Vĩnh Vĩ, 39 tuổi, một cư dân Bắc Kinh, đã mua hơn chục căn hộ ở TP. Hạc Bích (tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc) với giá khoảng 31.000 USD (728 triệu đồng), vì tin rằng chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt tài chính hơn các khoản đầu tư khác.
“Các căn hộ được bán với giá rất rẻ, như bắp cải vậy”, ông Hồ nói, đồng thời cho biết thêm rằng trải nghiệm không tốt của cá nhân ông và gia đình với thị trường chứng khoán đã khiến họ tránh xa cổ phiếu.
Các công ty tư vấn bất động sản cho biết căn hộ giá rẻ ở các thành phố nhỏ khác của Trung Quốc như Hoài Nam (tỉnh An Huy) và Nhũ Sơn (tỉnh Sơn Đông) cũng đang được săn đón. Khách hàng chủ yếu là người bên ngoài khu vực.
Các thương vụ cho thấy người mua đang bắt đầu chuyển sự chú ý sang các thành phố nhỏ hơn ở Trung Quốc, nơi giá bất động sản thuộc loại rẻ nhất nước trong bối cảnh suy thoái lan rộng và kinh tế trì trệ.
Mặc dù các giao dịch mua ở thành phố nhỏ không đủ lớn để tác động đến thị trường bất động sản khổng lồ của Trung Quốc và không có dữ liệu về khối lượng giao dịch, chúng phần nào cho thấy sự suy giảm trong kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch Covid-19.
Kinh tế ảm đạm hậu đại dịch
Theo dữ liệu từ Anjuke, một trong những công ty bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, giá nhà đất nước này đã giảm 27% so với mức cao nhất được ghi nhận năm 2021 tại một số khu vực ở Hạc Bích. Tương tự, giá nhà ở Hoài Nam, Nhũ Sơn và TP. Cá Cựu (tỉnh Vân Nam) cũng giảm hơn tới 24% so với thời điểm đạt đỉnh.
Để so sánh, giá nhà đất cao nhất ở Bắc Kinh, nơi một ngôi nhà cũ trung bình có thể có giá hàng chục nghìn nhân dân tệ, chỉ giảm 1,5% trong khoảng thời gian 6 năm, tính đến tháng 5 năm nay. Trong khi đó, ở TP. Trùng Khánh, giá đã giảm hơn 10% trong 5 năm, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Anjuke.
Dù vậy, các nhà phân tích không muốn đưa ra kết luận lạc quan về hoạt động mua nhà ở các thành phố nhỏ này, do có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn để phục hồi sau Covid-19.
Theo tờ South China Morning Post, sự phục hồi trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc tiếp tục mất đà khi hầu hết các số liệu đều cho thấy sự sụt giảm trong tháng 5 do lòng tin của người tiêu dùng yếu, dòng di chuyển dân số và các vấn đề về nguồn cung.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua bất động sản trong nước tiếp tục yếu do người tiêu dùng và các công ty thích trả nợ hơn là đầu tư. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc cao kỷ lục, ở mức trên 20%.
Nhà kinh tế học Nhiếp Văn của công ty Hwabao Trust (Trung Quốc) cho biết: “Việc có quá nhiều người mua căn hộ giá rẻ ở các thành phố nhỏ phản ánh sự thận trọng. Mọi người không tự tin về thu nhập trong tương lai của họ”.
Trong khi đó, đài CNBC cũng dẫn cảnh báo từ các ngân hàng ở Phố Wall (Mỹ) cho rằng sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể là lực cản đối với nền kinh tế nước này trong nhiều năm tới và thậm chí có thể ảnh hưởng các quốc gia trong khu vực.
Các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) nói rằng thị trường bất động sản dự kiến sẽ chứng kiến “sự phục hồi hình chữ L” – được định nghĩa là sự sụt giảm mạnh và sau đó là tốc độ phục hồi chậm.
Theo ngân hàng Morgan Stanley, nếu những thách thức trong lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc và gây ra tâm lý e ngại trong hệ thống tài chính, ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng, thì điều này sẽ khiến Trung Quốc suy thoái sâu hơn.
Giá nhà mới ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố cấp 1 khác đã tăng 0,1% so với tháng trước, chậm lại so với mức tăng 0,4% so với trong tháng 4, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 15.6.
Trong số 70 thành phố vừa và lớn ở Trung Quốc đại lục được NBS theo dõi, chỉ có 46 thành phố ghi nhận giá nhà tăng, giảm so với con số 62 trong tháng 4. Thị trường nhà để ở cũng yếu hơn, với chỉ có 15 thành phố có giá tăng, giảm so với 36 thành phố trong tháng trước, theo South China Morning Post.