Kỳ 1: Việt Nam, một đất nước tươi đẹp
Chuyến thăm Việt Nam kéo dài hơn một tuần với tư cách cá nhân của Hạ nghị sĩ Phillips cùng những người bạn giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, hướng tới những hành động thiết thực hơn nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Sáng sớm ngày 25-7-1969, chiếc trực thăng UH-1H của nhóm tình báo quân sự 525 Mỹ cất cánh từ TP Buôn Ma Thuột tới Pleiku. Từ khi đến miền Nam Việt Nam tháng 11-1965, nhóm tình báo quân sự 525 thuộc Lục quân Mỹ ở Việt Nam, có nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ trinh sát, giám sát đường không, phản gián, thẩm vấn, trinh sát kỹ thuật và tình báo địa bàn (các hoạt động tình báo để hỗ trợ quân đội Việt Nam cộng hòa).
Theo tóm tắt về kết quả điều tra vụ tai nạn, tất cả điều kiện bay khi đó đều bình thường trừ trần bay thấp vì thời tiết xấu. Máy bay duy trì độ cao khoảng 140m, bay theo Đường 14 về hướng Bắc. Do phải bay thấp trong thời gian dài, phi công chính và phi công phụ phải thay nhau kiểm soát máy bay vài lần. Khi bay tới khu vực núi Hàm Rồng, tầm nhìn xấu đi nhanh chóng, máy bay bay ở độ cao khoảng 15m.
Lúc này, phi công chính kiểm soát máy bay, giảm tốc độ từ khoảng 200km/giờ xuống 150km/giờ và vòng sang bên phải nhằm chuyển hướng 180 độ và lấy lại trần bay theo các điều kiện bay quy định. Đồng hồ độ cao ở bên trái máy bay không hoạt động. Băng ghi âm ở đài kiểm soát Pleiku cho thấy, khoảng 2 giây sau, khi phi công phụ báo cáo về thời tiết, ông nói với phi công chính là mình cảm thấy như trên dốc đứng. Máy bay đâm vào sườn núi Hàm Rồng. Băng ghi âm cũng cho biết phi công nhìn thấy núi ngay trước khi va chạm.
Điều tra hiện trường cho thấy, phi công đã cố gắng điều khiển máy bay bay lên cao khiến cánh quạt ở đuôi máy bay chạm đất trước. Máy bay trượt khoảng 60m trên sườn núi dốc khoảng 50-60 độ trước khi cánh quạt chính của máy bay chạm đất và bị văng ra khỏi thân máy bay. Chiếc máy bay bị gập khi động cơ chính bị văng ra và lăn khoảng 30m xuống chân núi, nằm ngửa và cháy ở đó.
Vụ tai nạn khiến 2 trong 4 thành viên tổ lái và 6 hành khách thiệt mạng. Trong số 6 hành khách đó có Đại úy Công binh Mỹ Arthur T.Pfefer (tên thân mật là Artie), bố đẻ của Hạ nghị sĩ Dean Phillips. Đại úy Arthur T.Pfefer sau đó đã được an táng tại Nghĩa trang Chesed Shel Emes ở Saint Paul, hạt Ramsey, bang Minnesota, Mỹ.
Giọng bố thôi thúc đến Việt Nam
Vụ tai nạn xảy ra khi ông Phillips mới 6 tháng tuổi, có nghĩa là ông chỉ biết đến bố mình qua những câu chuyện của người thân hay các tấm ảnh và di vật của bố để lại. “Khi còn là một cậu bé, tôi thường đến nhà bà nội. Ở đó, bà nấu súp, chơi đàn piano cho tôi nghe và chúng tôi cùng nói chuyện về bố. Bà nội cho tôi xem các tấm ảnh mà tôi cũng mang theo trong chuyến đi này. Tôi biết không thể gặp lại bố nên phải tìm hiểu về ông qua các tấm ảnh và những câu chuyện”, ông Phillips kể lại khi đang đứng trên núi Hàm Rồng, cách trung tâm TP Pleiku hơn 10km về phía Nam.
Hạ nghị sĩ Philipps cho biết, bố ông là một đại úy công binh trong Lục quân Mỹ nên có thể ghi âm lời nói của mình vào những cuộn băng và gửi về cho vợ ở bang Minnesota. Ông Phillips kể: “Mẹ tôi cũng ghi âm lời nói của bà và cả những tiếng ê a của tôi để gửi cho bố tôi. Tôi chưa từng nghĩ sẽ được xem video hay nghe được giọng nói của bố”.
Tình cờ, 5 năm trước, mẹ của Hạ nghị sĩ Phillips tìm thấy một chiếc hộp đựng những bức thư cùng tất cả cuốn băng của vợ chồng bà. Ông Phillips ngay lập tức lên trang eBay và mua một máy nghe băng cũ để có thể nghe nội dung của những cuốn băng và đó là lần đầu tiên ông được nghe giọng của bố mình.
“Đó là khoảnh khắc đặc biệt trong đời tôi. Tôi được nghe giọng của ông, nghe ông kể về những trải nghiệm, về những người bạn của ông và xem các bức ảnh ông chụp trẻ em Việt Nam với nụ cười trên môi, điều mà tôi và bạn bè của mình cũng thấy trong chuyến đi này. Những cuốn băng ghi âm và thư của ông nói về sự tôn trọng và ngưỡng mộ với đất nước Việt Nam. Đó là lý do tôi tới đây. Tôi sẽ kể lại cho bạn bè Mỹ của mình về nền văn hóa Việt Nam để họ có thể đến và trải nghiệm, để biết rằng Việt Nam không phải là chiến tranh mà là một đất nước tươi đẹp”, ông Phillips nói.
Thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời
Trong hành trình đến núi Hàm Rồng, ông Phillips đeo thẻ tên của bố mình trên cổ, tay cầm những huân, huy chương, các bức ảnh của ông và người thân trong gia đình cùng chiếc đồng hồ của bố ông với kim đồng hồ dừng lại lúc 8 giờ 41 phút, thời điểm chiếc UH-1H gặp nạn ngày 25-7-1969.
Đi dưới tán của những rặng thông, trèo qua nhiều đoạn dốc đầy bụi đỏ đất bazan trong mùa khô Tây Nguyên, xuyên qua các luống cây cà phê, cuối cùng ông Phillips và những người bạn đã đến nơi được cho là vị trí bố ông nằm xuống.
“Trong văn hóa Việt Nam, các bạn bày tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, chúng tôi cũng vậy. Tôi thực hiện chuyến đi này để không chỉ biết thêm về bố tôi mà cả những đồng đội của ông hay những người bên kia chiến tuyến với ông và đất nước mà ông đã ngã xuống. Chuyến đi này giúp tôi có thể cảm nhận, trải nghiệm và nghe những câu chuyện mà chúng tôi không thể quên”, ông Phillips nói. Ông khẳng định: “Đây là thời khắc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi!”.
Sau khi cầu nguyện bằng tiếng Do Thái (Hạ nghị sĩ Phillips là người gốc Do Thái-PV), ông Phillips giải thích trong nước mắt-khi cẩn thận cho các tấm ảnh của những người thân trong gia đình cùng đồng xu biểu tượng của chức vụ Hạ nghị sĩ của mình vào một túi nhỏ-rằng ông hy vọng khi chôn chiếc túi đó xuống đất, bố ông có thể thấy được người thân. Ông tự tay bới đất, chôn các kỷ vật cạnh một gốc cây cà phê.
“Nhiệm vụ đã hoàn thành”, ông nói và giải thích thêm: “Tôi muốn các bạn biết là tôi bày tỏ lòng tiếc thương với bố tôi, những người đã tử nạn cùng ông ngày hôm đó và cả những người lính Mỹ và Việt Nam đã mất vì chiến tranh. Hy vọng chúng ta có thể hợp tác cùng nhau để hàn gắn. Tôi may mắn vì là một nghị sĩ và có thể tự thu xếp chuyến đi tới nơi này với tư cách cá nhân cùng những người bạn của mình. Những người trên chuyến bay trực thăng hôm đó cùng bố tôi hầu hết đều chưa có con”.
(còn nữa)
Bài và ảnh: NGỌC HƯNG