Eva Braun, người vợ bên cạnh trùm phát xít Hitler những giờ phút cuối đời, có mong muốn rằng cô vẫn phải đẹp, ngay cả khi chết.
Ngày 30/4/1945, khi Thế chiến II sắp kết thúc với thất bại của Đức quốc xã, Hitler và Eva Braun thức dậy lúc 6h trong boongke của họ ở trung tâm Berlin. Vào buổi trưa, Bộ trưởng tuyên truyền phát xít Joseph Goebbels đề nghị cả hai rời khỏi thành phố, nhưng Hitler từ chối.
Sau 15h, Hitler và Braun nói lời tạm biệt cuối cùng với bạn bè và gia đình rồi đi vào phòng ăn. 15h28, Braun chết sau khi tự uống thuốc độc. Đến 15h30 chiều, Hitler tự sát bằng súng. Đêm hôm đó, hồng quân Liên Xô treo cờ trên đỉnh tòa nhà quốc hội Đức.
Hai ngày trước đó, Eva Braun và Hitler đã kết hôn trong một đám cưới giản dị ở boongke. Trong bữa ăn trưa ngày 29/4 cùng vợ và một số thư ký, trùm phát xít nói: “Tôi sẽ không bao giờ để mình rơi vào tay kẻ thù, dù sống hay chết. Tôi sẽ ra lệnh thiêu thi thể của mình để không kẻ nào có thể tìm ra”.
Sau đó, Hitler bàn về việc nên tự sát như thế nào và yêu cầu bác sĩ riêng Werner Haase gợi ý. “Cách tốt nhất là tự bắn vào họng. Sọ sẽ vỡ vụn và ta sẽ chẳng cảm thấy gì. Cái chết đến ngay lập tức”, Hitler nhận xét.
Braun tỏ ra kinh hãi. Cô đáp lời chồng: “Em muốn làm một xác chết xinh đẹp. Em sẽ uống thuốc độc”, theo cuốn sách Eva Braun: Life with Hitler của nhà sử học Đức Heike B. Görtemaker và Hitler’s Last Day: Minute by Minute của các tác giả Emma Craigie và Jonathan Mayo.
Braun sau đó chỉ cho các thư ký một hộp đồng nhỏ chứa chất độc xyanua mà cô cất trong túi váy. “Em không biết có đau lắm không. Em sợ phải chịu đau đớn quá lâu. Em sẵn sàng chết một cách anh dũng nhưng ít nhất nó cũng phải không đau đớn”, cô nói tiếp.
“Em yên tâm, hệ thần kinh và hô hấp sẽ bị tê liệt chỉ trong vài giây”, Hitler đảm bảo với vợ.
Trước khi tự sát, Braun đã bỏ bữa trưa. Cô ở trong phòng cùng người giúp việc, chọn trang phục cuối cùng của đời mình: đầm đen với hoa hồng trắng quanh cổ – chiếc váy mà Hitler thích cô mặc.
Cái chết cuối cùng đã đến đúng theo ý nguyện của cặp đôi. Hitler, 56 tuổi, và người vợ 33 tuổi được thân tín hỏa thiêu trong khu vườn tại Phủ Thủ tướng Đế chế. Bác sĩ Haase và các thân tín khác của Hitler bị Liên Xô bắt vào ngày 2/5/1945. Haase chết trong tù năm 1950 vì bệnh lao.
Braun sinh năm 1912 trong một gia đình khó khăn ở Munich. Những năm đầy sóng gió sau Thế chiến I, cha mẹ cô ly hôn nhưng rồi lại trở về với nhau, có thể vì lý do tài chính. Kinh tế gia đình rất hạn hẹp.
Năm 17 tuổi, Braun làm việc trong studio của nhiếp ảnh gia Đức quốc xã Heinrich Hoffmann ở Munich, nơi cô thỉnh thoảng được chụp ảnh với tư cách người mẫu. Studio này là nơi đầu tiên cô gặp Hitler, khi đó còn là một chính trị gia cực đoan.
Ít ai biết hai người trở nên thân thiết từ bao giờ, nhưng có tài liệu cho rằng cô thiếu nữ Braun đã nhét khăn giấy vào áo ngực của mình để cố gắng thu hút Hitler.
Trong những năm đầu của mối quan hệ, Braun đã hai lần định tự tử. Năm 1932, cô tự bắn vào ngực mình. Năm 1935, cô uống thuốc ngủ quá liều. Braun muốn chứng minh với Hitler, người hơn cô 23 tuổi, rằng việc ông không quan tâm tới cô sẽ gây ra hậu quả như thế nào.
Nỗ lực của Braun đã được đền đáp. Sau lần tự tử thứ hai, Hitler chuyển cô và em gái Margarete đến một căn hộ ở Munich và sau đó là một căn villa ở Wasserburgerstr. Đến năm 1936, Braun ở cùng Hitler tại biệt thự Berghof trên dãy Alps ở Bavaria bất cứ khi nào ông ta tới đó.
Mối quan hệ của Braun với Hitler rất phức tạp. Sau khi chiến tranh kết thúc, các nhân viên tại biệt thự Berghof kể rằng hai người dường như đã không qua đêm cùng nhau.
Theo nhà sử học Heike Gortemaker, có rất ít bằng chứng về vấn đề này bởi Hitler đã ra lệnh tiêu hủy tất cả những tài liệu riêng tư về mình. Nhưng điều chắc chắn là Hitler muốn mối quan hệ của họ tránh xa khỏi tầm mắt công chúng.
Trùm phát xít tin rằng một mối quan hệ công khai sẽ là một thảm họa cho hình ảnh của ông. “Nhiều phụ nữ thấy tôi hấp dẫn vì tôi chưa lập gia đình”, Hitler từng nói. “Điều đó cũng tương tự với một diễn viên điện ảnh: Khi anh ta kết hôn, anh ta mất đi sức hấp dẫn với những người phụ nữ tôn thờ mình. Họ không còn thần tượng anh ta điên cuồng nữa”.
Vì vậy, thân phận Braun luôn được giấu kín, chỉ một số thân tín của Hitler biết về mối quan hệ giữa họ.
Cách đối xử của Hitler với Braun khá kỳ quặc. Khi có khách đến thăm biệt thự Berghof, Braun phải tránh mặt. Theo một bài viết trên tờ Die Welt, chỉ thỉnh thoảng cô được phép xuất hiện trước mặt các vị khách nhưng lúc đó, Hitler yêu chiều cô và đưa cho cô những phong bì chứa đầy tiền.
Trở thành người tình của Hitler mang đến cho Braun một cuộc sống xa hoa. Cô dành hầu hết thời gian chiến tranh tại biệt thự Berghof. Theo một số lời kể, cô có những tật xấu như uống rượu và hút thuốc, điều Hitler rất ghét.
Mặc dù được an toàn trên dãy Alps, Braun đã chọn đến Berlin để ở bên Hitler vào những ngày tháng cuối đời.
“Quyết định của Braun, đến Berlin khi nó đã bị tàn phá và kết liễu đời mình cùng Hitler ở tuổi 33, cho thấy một niềm tin sâu sắc, quyết tâm và sự cứng rắn. Những mô tả về Braun như một cô gái hời hợt chỉ quan tâm đến vật chất là hoàn toàn sai lầm. Nếu ở lại Munich, cô ấy sẽ có cuộc sống tốt hơn”, nhà sử học Gortemaker nhận xét.
Nhưng theo một người họ hàng của Braun, mối quan hệ giữa cô và trùm phát xít tràn đầy đau khổ và tự tử là cách duy nhất để cô giành lại tôn trọng từ người tình.
Nhiều năm sau, Gertraud Weisker, anh họ Braun, tiết lộ rằng mối quan hệ của cô với Hitler đã gây rạn nứt nghiêm trọng trong gia đình họ. Braun chỉ giữ liên lạc với em gái Margarete, người cũng kết hôn với một quan chức cấp cao Đức quốc xã.
“Braun vô cùng bất hạnh. Đó là lý do cô ấy từng cố gắng tự kết liễu đời mình hai lần”, Weisker nói. “Braun rơi vào một mối quan hệ chỉ có thể được chứng minh thông qua hôn nhân và cái chết cùng nhau”.
Vũ Hoàng (Theo Local, NPR)