Ước mơ của thế hệ hiện tại phải lớn hơn các thế hệ đi trước
Ngày 28/8, đúng dịp kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi chia sẻ, trao đổi với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong 34 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, với chủ đề: Ngành TT&TT: Thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên số. Đây không phải lần đầu người đứng đầu ngành nói chuyện, giải đáp những băn khoăn của người lao động trong ngành, nhưng là lần có số lượng người tham dự đông đảo hơn cả.
Được tổ chức tại 11 điểm cầu trực tuyến ở 3 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, buổi trao đổi còn có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm và Bùi Hoàng Phương.
Chọn truyền thống ngành là nội dung mở đầu buổi nói chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, 10 chữ vàng “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” được sinh ra trong thực tiễn của ngành và cũng là bản sắc của ngành, Bộ TT&TT. Mười chữ vàng này được các thế hệ đi trước để lại và thế hệ hiện tại cần thấu hiểu, dùng làm hành trang trong cuộc sống và làm việc. “Một tổ chức mà không kế thừa cái gốc của mình thì giống như mất đi cội nguồn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo phân tích của người đứng đầu Bộ TT&TT, các thế hệ đi trước xúc động khi nhìn thấy 10 chữ vàng truyền thống ngành, song với thế hệ hiện tại, để duy trì, tiếp nối dòng chảy lịch sử truyền thống, 10 chữ vàng cần được “thổi hồn”, có nội hàm mới phù hợp với thời đại hiện nay. Với quan điểm đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành nhiều thời gian của buổi nói chuyện để lý giải nội hàm mới, những biểu hiện của từng phẩm chất “Trung thành”, “Dũng cảm”, “Tận tụy”, “Sáng tạo”, “Nghĩa tình” gắn với thực tế hiện nay, có kèm những dẫn chứng cụ thể từ tình huống, câu chuyện tại chính các cơ quan, đơn vị trong Bộ.
Song song đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng một lần nữa lý giải cặn kẽ nội hàm, giá trị cốt lõi trong phương châm hành động của Bộ TT&TT hiện nay, đó là: “Làm gương – Kỷ cương – Trọng tâm – Bứt phá”, với mong muốn toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Bộ, ngành hiểu và áp dụng được nó trong cuộc sống hàng ngày.
Điểm lại những thành tựu nổi bật mà các thế hệ đi trước đạt được trong đổi mới lần 1, Bộ TT&TT nêu yêu cầu: Có điều kiện tốt hơn, ước mơ của thế hệ hiện tại phải lớn hơn thế hệ trước; Thế hệ sau phải hơn thế hệ trước thì ngành và đất nước mới phát triển.
Thực tế, thế hệ hiện tại đã kế thừa truyền thống ngành và có những bước phát triển mới, đạt nhiều thành tựu mới, tiêu biểu như: Từ nơi người nước ngoài đến đầu tư viễn thông, Việt Nam vươn ra, đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông tại nhiều nước trên thế giới; Từ mua thiết bị nước ngoài về dùng, Việt Nam đang hiện thực hóa ước mơ xây dựng mạng lưới bằng thiết bị do Việt Nam sản xuất; 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường quốc tế lên đến 10 tỷ đô la… Những thay đổi căn bản này đã góp phần vào sự phát triển lớn mạnh hơn của ngành, đất nước so với giai đoạn trước; Đồng thời, duy trì dòng chảy liên tục trong lịch sử luôn tiên phong, đi đầu của ngành.
Đam mê công việc thì sẽ không thấy áp lực
Bên cạnh mong muốn tập thể người lao động của Bộ tiếp tục giữ vững truyền thống, kế thừa quá khứ để từ đó đi lên, mở tương lai mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: Ngành, Bộ TT&TT hiện nay có vai trò quan trọng, với sứ mệnh là đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển vào năm 2045. “Sứ mệnh lớn hơn, anh em mình phải cố gắng hơn!”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắn nhủ.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng đã có nhiều chia sẻ tâm huyết và thẳng thắn về định hướng cùng một số việc của Bộ giai đoạn hiện nay như luân chuyển cán bộ, 2 công đoạn trong chuyển đổi số các đơn vị, giảm tải cho người lao động bằng việc đầu tư công cụ số, trợ lý ảo, tìm cách tiếp cận mới khi gặp khó khăn, thái độ trong công việc…
Cụ thể, từ kết quả tích cực của công tác luân chuyển, biệt phái cán bộ của Bộ TT&TT về địa phương, bộ, ngành trong 5 năm qua, Bộ trưởng chỉ rõ: Luân chuyển cán bộ tạo ra sự lành mạnh, sôi động cho tổ chức, giúp các cán bộ trưởng thành hơn, có nhận thức mới và làm việc tốt hơn. Theo Bộ trưởng, để có đủ cán bộ và nâng cao chất lượng cán bộ, gần đây, Bộ TT&TT đã đưa ra tư tưởng về liên thông cán bộ trong Bộ TT&TT với cán bộ của cả nước, liên thông cán bộ của Bộ với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong ngành.
Khẳng định giảm tải cho người lao động là trách nhiệm của lãnh đạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đang phát triển trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức và xây dựng hệ thống báo cáo trực tuyến để giảm 10 lần số lượng báo cáo của các sở gửi về Bộ mỗi năm. “Các cơ quan, đơn vị trong Bộ phải đầu tư công nghệ, phát triển công cụ, phát triển hệ tri thức để anh em trong đơn vị đỡ vất vả, làm việc vui vẻ, hào hứng”, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý người lao động cần nhìn vào những cái hay của việc làm trong cơ quan nhà nước để làm việc vui vẻ, say mê. Khi say sưa, đam mê thì người lao động sẽ không thấy áp lực với công việc. Trường hợp có đam mê mà nghĩ mãi không ra lời giải, làm thấy vất vả, người lao động có thể hỏi lãnh đạo để được bày giải pháp làm cho việc khó trở thành dễ hơn.
Trong khuôn khổ buổi trò chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn giải đáp những trăn trở, băn khoăn của người lao động: Làm thế nào để tạo văn hóa trong tổ chức, cách để tổ chức trở nên xuất sắc, liệu có tin tưởng được vào trợ lý ảo, ‘tuổi thọ’ các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và Fintech, nghề giáo sẽ thay đổi thế nào trong bối cảnh AI phát triển, cách đánh giá sinh viên khi cho họ dùng AI…
Khép lại buổi trao đổi, người đứng đầu ngành TT&TT mong rằng cán bộ, công nhân viên trong Bộ đoàn kết một lòng, chung sức đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị mình, có đam mê và niềm vui trong công việc. Lãnh đạo cấp trưởng các đơn vị trong Bộ phải tạo môi trường để cơ quan thành ngôi nhà thứ hai của người lao động.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/uoc-mo-cua-the-he-hien-tai-phai-lon-hon-the-he-truoc-2316463.html