“Quá nhiều người chết, bị thương tại những nơi được luật quốc tế bảo vệ”
Đó là cảnh báo đầy bức xúc và đau đớn của lãnh đạo cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine (UNRWA). Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/10, ông Philippe Lazzarini nhấn mạnh: “Mức độ tàn phá trên khắp Dải Gaza là chưa từng có. Quá nhiều người chết, bị thương tại những nơi được luật quốc tế bảo vệ. Tôi đã nói nhiều lần, và tôi sẽ nhắc lại: Không có nơi nào an toàn ở Gaza”.
Ông Philippe Lazzarini còn đau đớn khi cho biết: “Tỉ lệ tử vong của người Palestine tại Bờ Tây đang ở “mức cao nhất kể từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu lưu trữ hồ sơ vào năm 2005”. Với con số trẻ em thiệt mạng, ông Philippe Lazzarini cũng cho biết, con số này nhiều hơn số trẻ thiệt mạng hằng năm tại các khu vực xung đột trên thế giới kể từ năm 2019.
Ngay sau đó, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier tiếp tục lên tiếng cảnh báo: “Một thảm họa y tế cộng đồng đang cận kề với sự di cư hàng loạt, tình trạng quá tải, thiệt hại về cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh”.
Trước đó ít ngày, tiến sĩ Rick Brennan – Giám đốc chuyên trách các trường hợp khẩn cấp của WHO tại khu vực Đông Địa Trung Hải đã phải thốt lên đầy đau đớn: “Chúng tôi quỳ gối cầu xin cho các hoạt động nhân đạo được duy trì, gia tăng và bảo vệ” và kêu gọi “một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức nhằm cho phép vật tư y tế và nhiên liệu được vận chuyển an toàn bên trong Dải Gaza”. Lời cầu xin được đưa ra khi WHO cho biết họ vẫn không thể phân phối nhiên liệu hay vật tư y tế cho các bệnh viện lớn tại phía bắc Dải Gaza do an ninh không đảm bảo.
Thực tế tại Gaza những ngày này thậm chí còn khủng khiếp, tang thương hơn những lời kêu cứu. Đã có những con số thống kê ban đầu được Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Catherine Russell đưa ra, rằng có đến hơn 420 trẻ em chết hoặc bị thương mỗi ngày do bom đạn. Hơn một nửa trong số 35 bệnh viện của Gaza không thể hoạt động nữa, ít nhất 221 trường học, hơn 177.000 căn nhà bị hư hại, 55% cơ sở hạ tầng liên quan cần được sửa chữa hoặc xây lại. Đặc biệt, nước sạch và nguồn cung thiết yếu để đảm bảo sự sống… qua bao nhiêu ngày chiến sự, vẫn thiếu hụt hoàn toàn, khiến người dân nơi đây ngày càng lấn sâu vào điều kiện sống thiếu thốn đến cùng cực.
“Dịch vụ cơ bản đang sụp đổ, thuốc men, thực phẩm, nhiên liệu cạn kiệt. Đường phố Gaza bắt đầu tràn ngập nước thải. Đói khát, tuyệt vọng đang khiến người dân nổi giận với cộng đồng quốc tế” – Lãnh đạo cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine cho biết.
Cấp thiết phải có giải pháp “đình chiến nhân đạo”
Trước những đau thương tột cùng tại Gaza, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ dân thường và tăng cường viện trợ cho người dân ở Gaza. Những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, hàng chục nghìn người tại các nước Trung Đông, châu Á, châu Âu và Mỹ đã xuống đường tuần hành, bày tỏ phản đối bạo lực tại Gaza. Lãnh đạo nhiều nước cũng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Ngày 31/10, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly kêu gọi hành động quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, tái khẳng định lập trường của Cairo về việc bác bỏ chính sách trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine. Cũng trong ngày 31/10, Quốc vương Jordan Abdullah II đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nêu bật tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức tại Dải Gaza, nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo đưa hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine mà không bị cản trở đồng thời kêu gọi đẩy mạnh những nỗ lực chấm dứt xung đột. Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện mọi biện pháp có thể để giảm thiểu thương vong và bảo vệ dân thường.
Trong các ngày 26-27/10, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức Phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 10 để thảo luận các diễn biến căng thẳng đang diễn ra ở Dải Gaza. Tại đây, nhiều nước bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại Gaza, lên án các hành động tấn công gây thương vong lớn cho dân thường ở cả Israel và Palestine đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn, thả con tin, tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo, bảo vệ dân thường và các cơ sở dân sự thiết yếu.
Cũng tại Phiên họp, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết “Bảo vệ thường dân và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý và nhân đạo” kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, kiềm chế tối đa, yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự; bảo đảm tiếp cận nhân đạo; kêu gọi thả ngay dân thường, bảo đảm an toàn và đối xử nhân đạo với họ.
Trên hết, một giải pháp “đình chiến nhân đạo” được xem là đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết tại dải Gaza.
Tuy nhiên, mọi sự kêu gọi, kêu cứu có vẻ như rất khó khả thi khi xung đột chỉ chực chờ lan rộng. Đặc biệt là từ tối 28/10, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Hamas đã bắt đầu với việc chiến dịch tấn công trên bộ được mở rộng vào bên trong Dải Gaza. Ông Benjamin Netanyahu cũng dường như đang bác bỏ từng phần các nỗ lực hòa giải từ khu vực và quốc tế, thậm chí còn tuyên bố tất cả các cuộc chiến đều có “thương vong dân sự” ngoài ý muốn.
Phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 10, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực hòa giải quốc tế nhằm hướng tới giải pháp hòa bình bền vững và công bằng, nhấn mạnh lập trường của Việt Nam là ủng hộ giải pháp hai Nhà nước với Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine và đường biên giới trước năm 1967, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc. Đại diện của Việt Nam cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an nỗ lực để có thông điệp thống nhất, xây dựng nhằm giúp làm giảm căng thẳng, chấm dứt giao tranh, bảo vệ thường dân và hỗ trợ các bên nối lại đối thoại, đàm phán. |
Nguyễn Hà