Vừa làm, mấy đứa vừa nghe cô tỉ tê về cách nấu. Bỏ qua khâu sơ chế, sau khi thịt đã sạch sẽ, chặt pha vừa miếng đem ướp với tỏi, sả, hành, ớt, mắm muối chừng 15 phút. Xào cho thịt săn lại rồi đổ nước xâm xấp (nước dừa càng ngon), đun nhỏ lửa chừng 30 phút, nhừ sấu thì vớt ra, dầm nát bỏ hạt, cuối cùng rắc hành lá mùi tầu và tắt bếp.
Món vịt thật ngon, thịt mềm, ngọt xen lẫn vị chua thanh của sấu, dậy mùi thơm tỏi sả. Độ đậm nhạt rất vừa miệng có thể “ăn vã” hoặc làm mồi đưa rượu. Nước dùng chan bún quyện sánh, thơm, chua và cay kích thích đến tận cùng vị giác.
Không biết có phải do món vịt “đen”, năm ấy tôi không đậu đại học. Ở quê buồn, tôi quyết định lên Hà Nội đi làm. Và tôi quen anh, một chàng trai Hà Thành, quản đốc sản xuất của xí nghiệp may, một “mì chính cánh” giữa hàng ngàn công nhân nữ.
|
Bữa anh đưa tôi về thăm nhà, mẹ anh cũng làm món vịt om sấu. Món vịt của mẹ anh có khác đôi chút so với cô chủ nhà ngày trước. Cũng bằng ấy gia vị nhưng đã được mẹ cố tình “giấu đi”, chỉ cảm thấy mà không nhìn thấy. Ví như củ sả mẹ đem giã nát, lọc lấy chút nước ướp vào thịt. Sấu dầm nhuyễn, hành tỏi cũng băm nhuyễn tưởng chừng như tan ra được.
Món ăn của mẹ tinh tế như cái cách mẹ cư xử. Không hề nói cấm cản hay coi thường nhưng tôi vẫn thầm hiểu mẹ không đồng ý chuyện của hai đứa. Tôi không trách mẹ vì cũng tự biết tôi không hợp với anh. Chuyện tình cảm của chúng tôi nó chỉ lỡ cỡ như món vịt om, không hẳn là món rẻ rúng quê mùa mà cũng không phải hàng cao lương mỹ vị. Nói một cách dễ hiểu nó chưa sâu nặng đến mức phải bất chấp mọi điều.
|
Nguồn: https://thanhnien.vn/mon-vit-om-sau-ky-niem-cua-toi-1851082577.htm