Sáng nay 10.6, hơn 115.000 thí sinh đã hoàn thành việc làm bài thi môn văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức. Theo lịch thi, các thí sinh bắt đầu làm bài từ 8 giờ, kết thúc lúc 10 giờ sáng.
Nhiều thí sinh thấy vui vẻ khi thi xong
Sau khi làm bài thi, nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với trạng thái vui vẻ, mà theo các em, là do đề thi vừa sức, “dễ thở”.
Em Doãn Hải Phong (học sinh lớp 9A18 Trường THCS Giảng Võ, Q.Ba Đình) cho hay, đề văn năm nay khá dễ so với mọi năm. “Phần nghị luận văn học liên quan đến truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi có phần khó hơn so với phần nghị luận văn học nói (yêu cầu nói về cảm nhận, cảm xúc của bản thân qua một trích đoạn bức thư của một người bố gửi cho con). Tuy nhiên, đây là đề thi không có câu hỏi lạ, khác biệt, đột biến hay quá thách thức học sinh”, Phong nói rồi cho biết dự kiến điểm em sẽ đạt là trên 7,5.
Còn theo Trần Đức Quân (học sinh Trường THCS Nam Trung Yên, Q.Cầu Giấy), dù em không ôn quá nhiều môn văn bởi đã nhiều khả năng trúng tuyển một trường THPT chuyên thuộc đại học trên địa bàn Hà Nội, nhưng em đã làm bài khá tốt do đề không quá khó. “Em làm được hết đề thi, tự tin khoảng 70 – 80% và dự kiến đạt mức điểm từ 7 đến 8”, Quân chia sẻ.
Cấu trúc đề quen thuộc
Cô Nguyễn Hằng Nga, giáo viên Trường THPT Hoài Đắc B, cũng nhận định, đề thi môn văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay nhìn chung là vừa sức với thí sinh.
Phần nghị luận văn học rơi vào tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, là một tác phẩm khá trọng tâm trong chương trình ngữ văn lớp 9. Phần này gồm các câu hỏi rất cơ bản từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Các câu hỏi đều rất quen thuộc với chương trình ôn tập của thí sinh nên các em học khá sẽ trả lời được đầy đủ các câu hỏi.
Yêu cầu viết đoạn văn cũng rất vừa sức. Đoạn văn tổng – phân – hợp từ 10 – 12 câu, trong đó có sử dụng phép nối và câu cảm thán. Phần nghị luận xã hội ngữ liệu khá hay về tình cảm của người cha đối với con. Yêu cầu viết đoạn văn nghị luận 2/3 trang giấy về vấn đề làm chủ cảm xúc của bản thân cũng rất ý nghĩa đối với các bạn trẻ sắp bước vào THPT. Đây là phần vận dụng cao giúp phân loại thí sinh rất tốt.
“Đề thi năm nay là một đề thi hay và vừa sức với thí sinh. Đề có tính ổn định qua nhiều năm và phân loại rất tốt đối với trình độ của thí sinh”, cô Nga nhận xét.
Còn theo thầy Nguyễn Xuân Hảo, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, đề thi năm nay có cấu trúc 2 phần quen thuộc. Đề có độ phân hóa về kiến thức; đảm bảo có tính phân loại, kiến thức theo cấp độ từ nhận biết đến vận dụng, sáng tạo. Cấp độ phân hóa ở câu 2 phần I và câu 3 phần II. Kiến thức yêu cầu trong đề rõ ràng, không đánh đố học sinh.
Riêng câu nghị luận văn học viết đoạn văn yêu cầu làm rõ tình đồng chí đồng đội của các nữ thanh niên xung phong hướng tới một trong 4 phẩm chất khá sát với kiến thức học sinh học trong chương trình. Câu nghị luận xã hội đề cập đến việc làm chủ cảm xúc của bản thân mỗi cá nhân từ một ngữ liệu ngoài sách giáo khoa có sức khơi gợi những suy nghĩ tích cực cho học sinh, nhất là các em đang ở độ tuổi mới lớn.
Khó có thí sinh đạt điểm 10
Về phổ điểm, cả cô Nga và thầy Hảo cũng có nhận xét tương đồng. Thầy Hảo nói: “Khoảng điểm 6 – 7 là khoảng điểm phổ biến mà thí sinh sẽ đạt được. Nhiều em sẽ đạt từ 8 điểm trở lên đến 9. Nhưng từ 9,5 đến 10 điểm thì sẽ khó đạt. Đặc biệt, đạt điểm 10 là rất khó, vì đòi hỏi bài làm phải tương đối hoàn chỉnh cả về hình thức trình bày và nội dung kiến thức”.
Cô Nga cũng cho rằng, mức 7 – 8 điểm sẽ nhiều thí sinh đạt được, cũng sẽ nhiều thí sinh được 9. Nhưng được điểm 10 là hơi khó, thậm chí khó có thí sinh nào đạt điểm 10.