Những điều “phút chót’ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể làm cho Ukraine không chỉ là cung cấp những gói viện trợ quân sự trấn an Kiev mà còn là chiến lược đẩy mạnh Ukraine là một ưu tiên trong chính sách của nước Mỹ và dù có thắng cử ông Donald Trump cũng khó bề chuyển dịch.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ở Washington vào ngày 26/9. (Nguồn: AFP) |
Không chỉ là gói viện trợ mà là một ngoại lệ
Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 8 tỷ USD cho Ukraine. Đây có thể là gói viện trợ cuối cùng mà ông dành cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Đây là gói trang thiết bị vũ khí thứ 66 mà chính quyền Tổng thống Biden cung cấp cho Ukraine và là một phần trong nỗ lực của Tổng thống sắp mãn nhiệm nhằm tiếp tục gửi vũ khí tới Kiev trong bối cảnh chính trường Mỹ đang tranh luận về số tiền mà nước này dự kiến tiếp tục chi để giúp Ukraine.
Tổng thống Joe Biden cho biết đã ủy quyền giải ngân 5,5 tỷ USD theo Quyền rút vốn của tổng thống, cho phép tổng thống chuyển tiền từ quỹ ngân sách của Bộ Quốc phòng (DOD) cho nước ngoài mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
Ngoài ra, một gói viện trợ riêng trị giá 2,4 tỷ USD đã được phân bổ thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, sẽ cung cấp cho Ukraine thêm hệ thống phòng không, máy bay không người lái và tên lửa không đối đất, cũng như củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.
Tổng cộng, tính đến ngày 26/9, Mỹ đã cam kết hơn 59,3 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Biden.
Tổng thống Biden cho biết: “Thông điệp của tôi rất rõ ràng: Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc xung đột”.
Ông Feryal Cherif, Giám đốc Chương trình quan hệ quốc tế tại Đại học Loyola Marymount ở California, nhận định: “Di sản của ông Biden sẽ phụ thuộc vào cuộc bầu cử tổng thống và kết quả của cuộc xung đột Ukraine-Nga”.
Sự “hào phóng” của ông chủ Nhà Trắng với Ukraine diễn ra trong bối cảnh không chắc chắn về cách thức và mức độ hỗ trợ của Mỹ cho Kiev sau bầu cử.
Cựu Tổng thống Donald Trump,những quan điểm của ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa gây khó cho Kiev và Tổng thống Ukraine Zelensky có thể bị gây sức ép để đàm phán nếu ông Trump thắng cử.
Ngày 25/9, ông Trump phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Bắc Carolina rằng “chúng ta tiếp tục trao hàng tỷ USD cho một người đã từ chối thực hiện một thỏa thuận, đó là Zelensky”, và nói thêm rằng, “Ukraine đã biến mất. Đây không còn là Ukraine nữa. Bất kỳ thỏa thuận nào, ngay cả thỏa thuận tồi tệ nhất, cũng sẽ tốt hơn những gì chúng ta hiện có”.
Theo bà Cherif, nếu ông Trump “đắc cử, rất có khả năng Tổng thống Zelensky sẽ bị gây sức ép để đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Nga”. Nếu điều này xảy ra, dư luận có thể nghĩ rằng điều đó có thể đạt được sớm hơn, giúp Mỹ tiết kiệm hàng tỷ USD và khiến ông Biden phải chịu “thất bại về chính sách đối ngoại”.
Ông Trump muốn làm khác cũng khó
Giáo sư Cherif nhận định, nếu Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, bà “có khả năng sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine”.
Chuyên gia này phân tích: “Nhiệm kỳ tổng thống của Harris có thể sẽ rơi vào tình thế mà nhiều người Mỹ cảm thấy rằng, một là nước Mỹ đang lãng phí tiền bạc cho một cuộc xung đột ở nước ngoài mà họ không thể thắng hoặc quá tốn kém để giành chiến thắng; và hai là, với sự bế tắc trong vấn đề lãnh thổ, chúng ta có thể đạt được kết quả tương tự với số tiền bỏ ra ít hơn từ nhiều năm trước. Trừ khi quỹ đạo của xung đột thay đổi đáng kể, Ukraine có thể sẽ bị coi là một thất bại về chính sách đối ngoại của ông Biden và bà Harris”.
Bà Harris chỉ trích những đề xuất rằng Ukraine nên nhượng bộ lãnh thổ cho Moscow để đổi lấy hòa bình và nói rằng: “Đó là những đề nghị đầu hàng. Mỹ hỗ trợ Ukraine không phải vì lòng từ thiện, mà đó là vì lợi ích chiến lược của chúng tôi”.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của ông Zelensky, bà Harris đã nói với ông rằng sự ủng hộ của bà đối với việc bảo vệ Kiev là “không lay chuyển”.
Khi đó, Phó Tổng thống nói: “Tôi tự hào được sát cánh cùng Ukraine. Tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine và nỗ lực để bảo đảm Ukraine giành chiến thắng, để được an toàn, an ninh và thịnh vượng. Mỹ phải tiếp tục hoàn thành vai trò lãnh đạo toàn cầu lâu dài của mình”.
Ông Biden khéo léo sắp xếp một cuộc họp cấp cao tại Nhà Trắng nhân dịp chuyến thăm giữa ông Biden, bà Harris và ông Zelensky. Tổng thống Mỹ đang cố gắng chứng minh rằng Ukraine vẫn là “ưu tiên hàng đầu” với Washington và muốn tạo ra kỳ vọng về sự ủng hộ của Mỹ trong tương lai, tốt nhất là theo cách mà ông Trump không thể phớt lờ.
Trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Ukraine không thể thuyết phục Washington cho phép sử dụng tên lửa ATACMS ở Nga. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến phương Tây phải bối rối trước những cảnh báo hạt nhân của mình.
Quyết định của Tổng thống Putin gần đây về việc sửa đổi học thuyết của Nga nhằm thiết lập ngưỡng thấp hơn cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân đã mang đến cho ông Biden thêm một lý do nữa. Tuy nhiên có thể thấy rất rõ rằng, Tổng thống Joe Biden đang có những nỗ lực phút chót để hỗ trợ Ukraine trước khi rời Nhà Trắng.
Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, ông vẫn còn thời gian tại nhiệm trước khi tổng thống mới nhậm chức vào tháng 1/2025. Trong khoảng thời gian này, đôi khi các tổng thống có thể thúc đẩy các quyết định chính sách quan trọng vào vài tuần cuối cùng nắm quyền. Ông muốn công khai vấn đề Ukraine như một khía cạnh quan trọng trong chiến lược của mình.
Nguồn: https://baoquocte.vn/mon-qua-cuoi-cung-tong-thong-joe-biden-tang-ukraine-nuoc-co-cao-tay-khong-ai-nghi-toi-289125.html