(Dân trí) – Được nhiều người khuyên chọn trường gần trung tâm thành phố, có đầy đủ cơ sở vật chất để dạy, song cô giáo Kim Hồng (Lào Cai) vẫn quyết tâm ở lại quê hương, mang con chữ cho những trẻ em ở vùng cao.
Được học sinh tặng cua, gừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
Thời gian qua, nhiều đoạn clip ghi lại khoảnh khắc đời thường giữa thầy và trò trong lớp học của cô Nguyễn Kim Hồng (SN 1978) – giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 thị trấn Phong Hải (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) – nhận về nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.
Các đoạn clip chỉ đơn giản là cảnh học sinh đánh vần, những cuộc trò chuyện ngắn giữa cô và trò, khoảnh khắc cả lớp quây quần bên cô giáo… nhưng nhận về hàng triệu lượt xem.
Đặc biệt, đoạn clip ghi lại hình ảnh cô Hồng được các học sinh tặng cua, gừng, gạo… nhân ngày Nhà giáo Việt Nam kèm những lời chúc ấn tượng: “Chúc cô bò nhanh như cua”, “chúc cô ăn cơm để lớn hơn”, “chúc cô xinh đẹp như củ gừng”, “chúc cô hót hay như chim”… đã đạt hơn 15 triệu lượt xem trong thời gian ngắn.
Nhiều người cho biết bản thân phải bật cười trước những lời chúc hài hước, đồng thời xúc động trước những món quà giản dị nhưng đầy tình cảm của các học sinh dành cho cô giáo của mình.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô Hồng cho biết bản thân rất yêu nghề dạy học và luôn muốn ghi lại kỷ niệm đẹp của mỗi thế hệ học sinh mình dạy. Những lúc rảnh rỗi, cô quay và đăng tải các đoạn clip vui vẻ giữa mình và học trò.
Cô Hồng cho biết học sinh tặng mình 2 con cua tên Chang Seo Anh. Ban đầu, khi nghe em nói sẽ tặng cua, cô rất bất ngờ, song vẫn nghĩ đó là lời nói đùa. Đến khi cầm trên tay chai nhựa bên trong có 2 con cua, cô Hồng phải bật cười về sự hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao.
Trước đây, cô học sư phạm tại TP Lào Cai, sau đó chuyển về quê hương ở thị trấn Phong Hải giảng dạy. Tính đến nay, cô đã có 26 năm gắn bó, mang con chữ đến với các học sinh ở vùng cao.
Ngày trước, nhiều người khuyên cô Hồng nên làm việc gần trung tâm thành phố, để đủ điều kiện về cơ sở vật chất hơn. Tuy nhiên, cô một lòng muốn cống hiến cho quê hương.
Từng dạy ở những nơi có điều kiện thuận tiện, nhưng cô Hồng lại muốn chăm lo, dạy dỗ cho các em ở vùng cao nhiều hơn nữa, bởi cảm thấy các em còn nhiều điều thiếu thốn. Là người vui vẻ, cô Hồng được nhiều học sinh và phụ huynh yêu mến.
“26 năm dạy học ở quê hương, tôi đã có nhiều thế hệ học sinh. Thậm chí, học sinh hôm nay tôi dạy, có nhiều bé là con của các học sinh nhiều năm trước từng học lớp của tôi. Mỗi năm dạy một lớp khác nhau, song năm nào cũng để lại cho tôi nhiều kỷ niệm”, cô Hồng tâm sự.
Đi ăn cỗ luôn gói mang về cho học sinh
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 thị trấn Phong Hải hiện có hơn 20 lớp và khoảng 700 học sinh. Phần lớn học sinh ở đây là người thuộc dân tộc Mông, có hoàn cảnh khó khăn.
Bố mẹ của các học sinh tại điểm trường này hầu hết là người làm nông, kinh tế khó khăn. Thậm chí có nhiều người kết hôn và sinh con rất sớm, còn không biết nói tiếng Kinh, không có thời gian chăm lo việc học cho các bé.
“Có khi giao tiếp với tôi, bố mẹ các em phải nhờ các em phiên dịch giúp. Nhiều lúc tôi nói vui rằng học sinh ở vùng này đến lớp đầy đủ đã là niềm hạnh phúc của giáo viên rồi, bởi bố mẹ các em làm sao có thể chăm lo đầy đủ cho các con từng buổi học được.
Tôi rất thương học sinh, thường xin sách vở, quần áo cũ cho các em, giúp các em có dụng cụ học tập đầy đủ. Đi ăn cỗ, nếu có đồ ăn ngon, tôi luôn gói về rồi chế biến lại đem vào lớp để các em ăn. Học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, tôi còn hỗ trợ đồ ăn để các bé mang về nhà”, cô Hồng tâm sự.
Học sinh của cô Hồng nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, song bé nào cũng mạnh dạn, vui vẻ, không rụt rè hay tự ti. Vào những ngày lễ trong năm, nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, được sự hướng dẫn của cô giáo, các học sinh trong lớp không bao giờ quên tặng quà cho cô.
“Bước vào tháng 11, tôi giải thích cho các bé biết ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam, giáo dục cho các em biết tôn sư trọng đạo. Tôi dạy các bé biết cách thể hiện tình cảm, sự yêu quý của mình dành cho thầy cô thông qua những món quà.
Song, tôi nhấn mạnh chỉ thích những món quà các em không phải bỏ tiền ra mua, có thể là bức tranh do chính các em vẽ, sự chăm chỉ, cần cù học tập của các em hay bất cứ thứ gì các em có thể tìm được. Thế là tôi đã nhận được rất nhiều món quà đặc biệt như cua, gừng, gạo, hoa dại, ớt, mía… “, cô Hồng nói.
Theo cô, những món quà học sinh gửi đến cho cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam đều là những thứ các em trân trọng. Cũng chính vì thế, những phần quà đơn sơ, giản dị này lại là những kỷ niệm cô mãi không quên.
Cô Hồng chia sẻ: “Điển hình như nhiều học sinh mang gừng đến tặng cô giáo, đó là một món quà rất ý nghĩa. Ở vùng cao, gừng là gia vị quen thuộc, gắn liền với những bữa cơm của người dân”.
Vào ngày Nhà giáo Việt Nam, đón nhận những món quà giản dị chất chứa sự hồn nhiên, ngây thơ của học sinh, cô Hồng không khỏi xúc động. Cô Hồng tâm sự, mỗi ngày được đứng trên bục giảng, nhìn đàn trò nhỏ hồn nhiên cười nói, học tập và tiến bộ từng ngày chính là phần quà vô giá.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/mon-qua-2011-gay-sot-va-chuyen-co-giao-di-an-co-luon-goi-ve-cho-hoc-sinh-20241119212716380.htm