Cung đường Tam Kỳ – Nam Trà My, thức quê bày bán ven đường níu chân người qua kẻ lại.
Sáng sớm, thị trấn Tắk Pỏ (Nam Trà My) còn chút hơi lạnh, mây ngái ngủ trên đỉnh núi. Theo lời hướng dẫn của chị bán bún, tôi thả bộ đến cầu Nước Là chờ người dân gùi măng rau xuống.
Nhóm hai ba người gồm trẻ em và phụ nữ với chiếc gùi nặng oằn lưng, tôi ngó sâu bên trong vài bịch măng rừng, rau lủi, bồ ngót và mấy nải chuối xanh. Mười nghìn đồng một bịch măng, năm nghìn đồng bó rau rừng.
Tôi chọn mua ít rau măng, đôi mắt của người bán ngơ ngác trước tờ tiền xanh đỏ. Là đặc sản xứ núi, nhưng du khách nếu không kịp để ý, cái chợ di động ấy sẽ mất hút sau núi đồi. Đêm Tắk Pỏ, tôi đã kịp thưởng thức món cá niêng nấu rau răm. Cá cỡ ngón tay vừa ngọt vừa đăng đắng, múc một chén rồi lại phải thêm chén nữa mới đã cơn thèm.
Trên đường từ Nam Trà My về Tam Kỳ, chộn rộn nhất là quãng ngang qua Tiên Phước. Trứng gà ta, rau ranh ốc đá, mít, bưởi bày bán ven đường khiến xe chúng tôi phải dừng mấy bận.
“Chợ phiên” đã kết thúc chưa – một người trong đoàn hỏi. Thế nhưng xe vừa đến chân đèo Liêu, lại nghe rỉ tai bánh ú đèo Liêu không thể bỏ qua. Khói bếp bay lên quyện cùng mùi bánh khiến ai ghé cũng xuýt xoa. Ai mà chẳng một lần trong đời ngồi bên bếp lửa khơi nồi bánh chưng bánh tét.
Lạ lùng thay quán bánh ú đèo Liêu tỏa hương núi rừng trong từng nếp lá, thịt heo đồi chăng mà gợi lên cảm thức ngạc nhiên, sửng sốt. Chỉ cần hít hà mùi thơm cũng đủ biết bánh ngon.
Hỏi có bí quyết gì không, bà Đoàn Thị Ngọ – chủ quán bánh ú đèo Liêu nói, nếp phải là loại nếp ngon trong vùng, thịt heo đồi chọn loại mỡ để tạo độ béo cho bánh, thêm ít đậu xanh cho bùi. Tôi nhìn ra phía chân đèo, tàu lá chuối đẫm hương rừng gói ghém vị quê thì còn gì bằng.
Bà Ngọ vừa đếm bánh cho khách, vừa tranh thủ khơi bếp lửa, mở vung vớt bánh. Những cũ xưa theo từng sợi khói bay lên khiến tôi đến ngẩn ngơ. Hơn 30 năm bán bánh ú dưới chân đèo Liêu, hẳn người đàn bà ấy không chỉ bán cho thực khách món ngon mà cả những ký ức, xúc cảm khó phai.
“Cha em thích nhất ốc đá Tiên Phước. Chà rửa rạch, bấm phần đuôi, thêm sả, dầu phụng, ớt bột, lá chanh rồi um lên, siêng thì bắc nồi cháo là có thêm món cháo ốc. Mà lạ lắm, ốc đá nấu cháo có vị béo đặc biệt”. Một đứa em trong đoàn vừa mua được mấy ký ốc, đã mường tượng món ngon cho cha.
Chúng tôi về phố. Cá niêng, rau rừng, ốc đá… làm dịu bớt cung đường ngoằn ngoèo xuống núi. Bên phía vực sâu, những cây cổ thụ được đánh số kiêu hãnh với mây ngàn. Mỗi con số như một mã định danh cho “cụ” cây, để trấn giữ núi rừng, để cá tôm đầy sông suối, rau rừng xanh tươi.