Đó là món chè bắp, với mấy trái bắp nếp không đầy hạt mót được ở vườn nhà. Tụi tôi thường gọi đó là “bắp sún răng”, vì hạt thưa rễnh thưa rãng. Để đủ nồi chè, má còn phải đào thêm mấy củ khoai sáp ngoài vườn. Món chè bắp khoai sáp dẻo dẻo ngọt ngào với nước cốt dừa béo ngậy.
Đó còn là món chè chuối, nếu may mắn vườn có sẵn buồng chuối sứ chín ruộm. Chuối càng chín rệu thì nấu chè càng ngon, càng ngọt. Má thêm nguyên liệu là khoai lang hoặc khoai mì cũng có sẵn ở vườn nhà vào nấu chung.
Chè chuối ngọt vị chuối, bùi vị khoai. Thêm nước cốt dừa chan lên mặt chén hoặc vài miếng cơm dừa xắt mỏng và đậu phộng rang giã bể hai bể ba, chè vừa thơm vừa ngon lạ lùng.
Đó còn là chè bí non với đậu xanh ăn cho mát, vì vườn có sẵn mấy dây bí đang ra trái.
Đó là nồi chè đậu xanh hay đậu đen với nếp. Mấy thứ đậu thu hoạch sẵn từ mùa hè, để sẵn trong mấy cái chai thủy tinh, cất trong ngăn tủ bếp. Chè bà ba có đậu phộng, đậu xanh, bột báng, bột khoai và thêm mấy củ khoai mì.
Bữa nào sang sang, trúng dịp rằm chẳng hạn, má ngâm nếp xay bột làm chè trôi nước. Món chè trôi nước trang trọng quá nên ít được ăn thường. Mà với món chè này, đứa nào cũng khoái mấy viên “chè đeo” chỉ là mấy viên bột không nhân.
Mưa kéo dài còn không chợ búa bán buôn gì được. Lúa thóc phơi cũng không khô. Nhưng má tìm cách để chúng tôi có được cái sự ấm cúng xúm xít, cùng ăn những bữa chè, bữa cháo đủ mặt, biết chia sẻ nhường nhịn nhau miếng cuối dù đứa nào cũng còn thòm thèm.
Cái sự nấu chè ngày mưa bão cũng rộn ràng. Đứa nào cũng có việc để “bỏ công” vào nồi chè. Đứa lột vỏ dừa. Đứa nạo dừa. Đứa vắt nước cốt dừa. Đứa gọt vỏ khoai. Đứa nào nhỏ cũng phải chạy việc vặt: lấy đường (nhờ vậy tôi luôn xin má một cục đường nhỏ để ngậm – ngày còn xài đường mía thô); ngâm bột báng bột khoai…
Nồi chè bắc lên bếp. Má ngồi canh lửa để khuấy kẻo dính đáy nồi. Mấy đứa tôi xúm xít ở cạnh bên, râm ran kể chuyện. Hoặc bày trò để chơi chờ chè chín. Nồi chè sôi lục bục, mùi chè bắt đầu thơm, quyện trong từng nếp lá ở căn bếp nhỏ. Chè múc ra, chờ má cúng phần cúng ông bà, rồi mới được ăn.
Chén chè nóng, bên ngoài trời vẫn mưa rỉ rả, vừa ấm vừa ngọt ngào, ngon đến chân răng.
Những bữa mưa đó, má còn lôi hết quần áo chúng tôi ra để xem có cái nào sút chỉ, sứt gấu, mất nút mà sửa sang. Rồi má biểu tôi lấy quyển ca dao bìa cũ, giấy đen sì đọc cho má nghe mấy bài má thích. Cái cảnh tụi tôi nằm xếp lớp trên cái chõng tre cũ bên hiên nhà mưa, má ngồi kế bên lụi cụi may vá, ấm đến tận giờ.
Nhớ những bữa được ăn chén chè má nấu trong ngày mưa dầm, lại nghĩ đến cách “nén cảm xúc tiêu cực” của má, mà thương. Hồi đó, lũ trẻ chúng tôi làm gì biết nỗi buồn của người lớn trước những cơn mưa dầm dai dẳng.
Chỉ nghe má than: “Mưa gì mưa hoài mưa hủy!” chớ không để ý mấy đến tiếng thở dài của má. Ngồi may vá nấu nướng trong nhà, nhưng đầu óc má chắc vương vấn ngoài vườn: cây trái dễ úng thúi, cái nào đơm bông thì dễ rụng, vườn năm đó mất mùa.
Mưa kéo dài còn không chợ búa bán buôn gì được. Lúa thóc phơi cũng không khô. Nhưng má tìm cách để chúng tôi có được cái sự ấm cúng xúm xít, cùng ăn những bữa chè, bữa cháo đủ mặt, biết chia sẻ nhường nhịn nhau miếng cuối dù đứa nào cũng còn thòm thèm.
Giờ đây, gặp lúc mưa dài, tôi cũng bắt chước má, xách giỏ đi chợ tìm mấy trái bắp vườn, ghé mua bịch cốt dừa, về bắc bếp nấu chè. Nồi chè tôi nấu lãng đãng bay khói đi đâu mà không nghe thơm, hay chắc thiếu cái không khí xôm tụ đứa này làm cái này, đứa kia làm cái kia, rào rạt và ấm cúng trong gian bếp nhỏ.
Thiếu luôn mùi củi cháy và khói quện đen đáy nồi. Con trai tôi dễ gì chịu cậy miếng đường mía thô như tôi ngày xưa để lủm một miếng đường và thấy hạnh phúc ngập tràn.
Nhưng hẳn là cái mùi ấm áp của bếp giữa ngày mưa, với cái món ăn bình dị ai cũng nấu được, sẽ đọng lại trong đứa trẻ theo cách riêng của nó, dù ở thời nào đi nữa.
Cái sự đọng lại đó, chỉ có riêng tư và riêng có, giữ cho mọi cá nhân trong nhà quay về. Nhà, thiết nghĩ vẫn là nơi trú ẩn an toàn cuối cùng cho mọi cuộc đời, của mọi người, dù người ấy có là ai đi nữa.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mon-che-trong-bua-mua-dam-20240929095957036.htm