(Dân trí) – Ghi nhận tại cửa thông quan giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, mỗi xe hàng nếu đạt yêu cầu chỉ mất vài phút đồng hồ để lực lượng chức năng kiểm tra và cho thông quan.
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) những ngày cuối năm 2023 ghi nhận sự tích cực trong giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Thời gian qua, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cùng với 5 cửa khẩu khác tại Lạng Sơn đang hoạt động, gồm Cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Cửa khẩu chính Chi Ma, các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, có lưu lượng xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu trung bình đạt 1.200 xe/ngày (cao điểm lên đến hơn 1.300 xe/ngày).
Trong đó khoảng 350-400 xe xuất khẩu (nông sản, trái cây chiếm khoảng 70%), 750-800 xe nhập khẩu.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tất cả các loại hình trong 11 tháng năm 2023 đạt trên 46 tỷ USD, tăng 110,33% so với cùng kỳ năm 2022.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại cửa thông quan giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc ở cửa khẩu Hữu Nghị, mỗi xe hàng nếu đạt yêu cầu chỉ mất vài phút đồng hồ để lực lượng chức năng kiểm tra và cho thông quan.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân (Trung Quốc) của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và Chủ tịch chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã ký “Thỏa thuận khung giữa UBND tỉnh Lạng Sơn, nước CHXNCN Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, nước CHND Trung Hoa về việc cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh”.
Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và lối thông quan hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Tỉnh đã xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, hoàn thiện Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 150/TTr-UBND ngày 30/9/2023.
Mô hình cửa khẩu thông minh là mô hình giao nhận hàng hóa mới, áp dụng khoa học, công nghệ, máy móc hiện đại vào quá trình giao nhận hàng tự động, áp dụng phương thức vận chuyển không người lái di chuyển theo tuyến đường cố định và các thiết bị cẩu container tự động hóa, dựa trên cơ sở định vị vệ tinh và công nghệ 5G.
Mô hình được điều tiết qua trung tâm chỉ huy và thực hiện trao đổi thông tin qua lại về vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, ưu tiên lựa chọn khu vực cửa khẩu có điều kiện phát triển nhanh để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới;
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình trọng điểm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, như mở rộng khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa, Khu phi thuế quan…
Tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ tăng cường các hoạt động tiếp xúc, trao đổi, giao lưu hợp tác giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền giữa 2 tỉnh/khu, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như kinh tế, thương mại, xây dựng kết nối giao thông, nâng cấp cửa khẩu… bảo đảm ổn định, an toàn khu vực biên giới.
“Phát huy hiệu quả cơ chế trao đổi, phối hợp triển khai các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận khung, chương trình… đã ký kết giữa các cấp chính quyền, các địa phương biên giới, về quản lý và phát triển kinh tế, thương mại, trước mắt là xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh”, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết.
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cửa khẩu cũng là điểm đầu của quốc lộ 1 (thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), cách thành phố Lạng Sơn 17km về phía bắc, cách Hà Nội 171km về phía đông bắc.