Mối quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ bước vào một giai đoạn mới, bất kể ai sẽ trở thành Tổng thống trong cuộc chạy đua tới.
Mối quan hệ của Mỹ và NATO sẽ bước vào một giai đoạn mới, bất kể ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong cuộc chạy đua tới. (Nguồn: Shutterstock) |
Đó là nhận định trong một báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) – viện nghiên cứu chính sách độc lập có trụ sở tại Washington về tương lai của quan hệ Mỹ-NATO sau cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực ngày 5/11.
Đường rẽ quyết định
Theo CSIS, nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, khả năng rất cao Mỹ sẽ giảm dần sự hiện diện trong NATO, gây ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ liên minh này.
Ngược lại, nếu phó Tổng thống Kamala Harris giành chiến thắng, trở thành chủ nhân Nhà Trắng, cục diện quan hệ Mỹ -NATO có thể sẽ thay đổi một cách “tinh tế” hơn, bởi bà Harris được cho là nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì các chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden.
Tuy nhiên, chính sách của bà Harris, cũng giống như thời Tổng thống Obama, những vị chủ nhân Nhà Trắng đại diện cho thế hệ lãnh đạo sau Chiến tranh Lạnh, Washington cũng sẽ ít gắn bó với NATO và châu Âu hơn. Ưu tiên và mối quan tâm của Mỹ sẽ dần chuyển hướng ra ngoài khu vực này.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Watford (Anh) năm 2019. (Nguồn: AP) |
Báo cáo của CSIS khẳng định, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine năm 2022 đã phơi bày sự phụ thuộc sâu sắc về quân sự của châu Âu với đồng minh siêu cường Mỹ. Trên thực tế, an ninh châu Âu phụ thuộc vào Washington thông qua liên minh quân sự NATO, lực lượng này hỗ trợ các hoạt động do Mỹ dẫn dắt.
Dù các quốc gia thành viên NATO tại châu Âu đóng góp lực lượng và nguồn lực to lớn, Mỹ vẫn là “đầu tàu” cung cấp nhiều năng lực chiến lược quan trọng cho châu lục này. Tiêu biểu như tiếp nhiên liệu trên không, tình báo chiến thuật, chỉ huy và kiểm soát chiến trường, đặc biệt là dự trữ đạn dược – vốn là nguồn lực mà châu Âu thiếu hụt.
Ngoài ra, các đồng minh châu Âu của NATO đã tăng cường chi tiêu quốc phòng lên 1/3, tổng cộng khoảng 380 tỷ USD mỗi năm. Nhưng dẫu chi tiêu quốc phòng tăng, liên minh này vẫn chưa thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Do đó, Washington vẫn là nhân tố không thể thiếu cho an ninh châu Âu và NATO.
Nếu Mỹ đột ngột rút lui khỏi NATO sẽ để lại một lỗ hổng lớn khó có thể bù đắp trong kiến trúc an ninh châu Âu. Các quốc gia châu Âu sẽ cần nhiều năm để mua sắm trang bị và xây dựng năng lực quân sự chủ chốt, cũng như thay đổi cách thức hợp tác.
Nếu ông Trump thắng cử?
CSIS cho rằng, dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump thứ hai, NATO sẽ phải đối mặt với nhiều “sự khó nhằn”.
Ông Trump từ lâu đã chỉ trích NATO và hiện tại có vẻ cũng đã có những kế hoạch cụ thể để giảm sự can dự của Mỹ vào liên minh này. Tuy nhiên, nếu ông Trump tái đắc cử, Mỹ cũng sẽ không thể hoàn toàn rút khỏi NATO, bởi điều này cần Thượng viện chấp thuận.
Hải quân Mỹ và NATO tham gia diễn tập chung ở Bắc Đại Tây Dương. (Nguồn: ABC News) |
Các tổ chức ủng hộ ông Trump đang đưa ra những đề xuất chính sách cụ thể như “NATO yên ắng” hay Dự án 2025 của Heritage Foundation nhằm “thay da đổi thịt cho NATO” bằng cách chuyển gánh nặng quân sự sang châu Âu. Theo một video đăng trên trang web chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump tháng 3/2023, ông sẵn sàng “hoàn tất quá trình tái đánh giá mục đích và sứ mệnh NATO” trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Mặc dù châu Âu có thể hy vọng việc tăng cường chi tiêu quốc phòng sẽ giảm bớt thái độ phản đối của ông Trump, nhưng có vẻ hiệu quả sẽ không cao. Cựu Tổng thống và các đồng minh cuối cùng rồi sẽ cảm thấy thất vọng vì sự phụ thuộc quân sự của châu Âu vào Washington. Vì vậy, việc tăng chi tiêu này chỉ nhằm giảm vai trò của Mỹ trong an ninh châu Âu, chứ không phải để củng cố NATO.
Các đồng minh của ông Trump không còn xem chi tiêu quốc phòng chỉ là vấn đề của riêng NATO, mà đang xem xét cách để các nước châu Âu “gánh vác thêm” trách nhiệm quân sự. Các đề xuất bao gồm: Mỹ tiếp tục bảo trợ hạt nhân cho NATO, duy trì các căn cứ ở Đức, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời buộc châu Âu phải phụ trách các lực lượng quân sự thông thường.
Ngoài ra, một kế hoạch khác đề xuất chia các nước đồng minh thành hai nhóm: nhóm đáp ứng ngưỡng chi tiêu quốc phòng chiếm ít nhất 2% GDP quốc gia và nhóm không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, kế hoạch này thách thức Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể và bảo vệ lẫn nhau.
Kế thừa và điều chỉnh
Theo CSIS, nếu bà Harris chiến thắng, sẽ đánh dấu sự chuyển giao thế hệ trong đường lối lãnh đạo của Washington. Quan điểm của Tổng thống Biden chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Chiến tranh Lạnh, gắn bó mật thiết với NATO và quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Bởi thế, chính quyền của bà Harris có thể vẫn sẽ tiếp nối sự ủng hộ của ông Biden đối với NATO và Ukraine. Tuy nhiên, do an ninh châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, các đồng minh châu Âu khó tránh cảm giác bất an khi chuyển giao từ ông Biden sang bà Harris. Các nước này sẽ liên tục tìm kiếm sự đảm bảo mà bà Harris khó có thể đáp ứng hoàn toàn.
Nếu chiến thắng, bà Kamala Harris có thể sẽ tiếp nối sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden đối với NATO. (Nguồn: Anadolu Ajansı) |
Nghiên cứu từ CSIS cho rằng bà Harris cũng có thể gặp khó khăn khi cố duy trì mức độ gắn bó và cam kết sâu sắc với châu Âu như ông Biden, người đã xây dựng quan hệ với châu lục này trong suốt hàng chục năm qua.
Dù bà Harris không có mối liên hệ sâu sắc với châu Âu, nhưng đội ngũ an ninh quốc gia hiện tại của bà như Cố vấn an ninh quốc gia Phil Gordon và Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith lại là những chuyên gia về châu Âu. Nếu hai người này tiếp tục phục vụ trong chính quyền của bà Harris một khi bà trúng cử, sẽ giúp củng cố niềm tin cho châu Âu.
Nếu bà Harris vào Nhà Trắng, Mỹ vẫn có thể chuyển hướng sang những vấn đề khác, đặc biệt trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ thường tập trung vào các vấn đề nội địa. Cũng như nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, bà Harris có thể sẽ vẫn kiên định với NATO nhưng ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, ông Enrico Letta, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta, lại cho rằng “với nhiều người châu Âu, Tổng thống Obama không dành đủ nhiều tình yêu cho họ”.
Bên cạnh đó, CSIS cũng nhấn mạnh, Mỹ cần bước đi thận trọng hơn với NATO, vì đây là liên minh quân sự mạnh nhất và lâu dài nhất trong lịch sử.
Mỹ cần bước đi thận trọng hơn với NATO. (Nguồn: Reuters) |
Thay đổi để thích ứng
Việc Mỹ rút đột ngột các lực lượng ra khỏi NATO sẽ khiến an ninh châu Âu tổn thương nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh có nhiều mối đe doạ an ninh ở vùng ngoại vi. Sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, để châu lục này xây dựng “trụ cột châu Âu” trong NATO nhằm giảm bớt phụ thuộc quân sự truyền thống với Mỹ. Nỗ lực này lẽ ra nên bắt đầu ngay sau Chiến tranh Lạnh, khi Liên minh châu Âu (EU) được thành lập. Nhưng do những khác biệt trong nội bộ châu Âu và sự phản đối của Mỹ, ý định này chưa có bước tiến triển.
Đã đến lúc Mỹ cần hỗ trợ nhiều hơn cho việc hình thành một “trụ cột châu Âu”. Với chính quyền ông Trump, nỗ lực này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian. Còn với chính quyền bà Harris, sự phản đối của Mỹ đối với trụ cột châu Âu, cũng như các nỗ lực phòng thủ của EU, đòi hỏi Washington phải can dự sâu rộng và lâu dài hơn vào châu lục này. Đây cũng là điều mà Mỹ khó có thể duy trì khi đang chuyển hướng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cuối cùng, theo các chuyên gia CSIS, việc xây dựng một “trụ cột châu Âu” trong NATO sẽ đòi hỏi sự hội nhập quốc phòng đáng kể từ các nước ở châu lục, trong đó EU cần khẳng định vai trò của mình nhiều hơn. Ngoài ra, EU cũng nên hành động nhiều hơn về quốc phòng, từ việc tạo quỹ chung cho đến thống nhất nền công nghiệp quốc phòng đang phân mảnh của châu Âu.
Tựu trung, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ không chỉ định hình tương lai của nước Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự thế giới và các liên minh chiến lược. Dù ai giành chiến thắng, chính quyền mới cũng đều đối mặt với hàng loạt thách thức từ trong nước đến quốc tế, từ kinh tế, an ninh cho đến những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và công nghệ.
Trong bối cảnh này, những quyết sách của Washington sẽ tác động mạnh mẽ đến đồng minh và đối thủ trên toàn cầu, đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược và cam kết vững chắc.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2024-moi-tinh-my-nato-se-ra-sao-hau-bau-cu-291419.html