Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm Trường song ngữ Lào-Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Tại buổi gặp gỡ, trò chuyện với giáo viên và học sinh nhà trường, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, giáo dục và đào tạo đóng vai trò hết sức quan trọng, trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng, phấn khởi và tự hào trước những cố gắng, nỗ lực và sự trưởng thành của Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du trong suốt chặng đường 19 năm qua. Đặc biệt, sự nỗ lực, đóng góp của Trường trong việc tích cực dạy cho con em Việt và các thế hệ trẻ của Lào thấm nhuần văn hóa, con người Việt Nam, hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt có một không hai trên thế giới giữa nhân dân hai nước Lào-Việt Nam.
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu động viên, chúc mừng các thành tích của thầy cô giáo và học sinh Trường song ngữ Lào-Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch nước khẳng định sự cố gắng, nỗ lực đã giúp Trường đạt được những thành tích rất đáng khích lệ, trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy tại thủ đô Viêng Chăn cả về quy mô, cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục.
Để phát huy tốt các thành tích, mục tiêu của trường đề ra, Chủ tịch nước mong muốn Ban Giám hiệu và các thầy giáo, cô giáo của Trường cần thực hiện tốt như lời Bác Hồ căn dặn: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức; tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ em. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”.
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm lớp 2 của Trường song ngữ Lào-Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Mỗi thầy, cô giáo không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức-kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới tư duy dạy và học; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước tới các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước.
Chủ tịch nước Tô Lâm
Chủ tịch nước đề nghị Nhà trường cần xác định rõ, giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng với đó, cần tôn trọng và chấp hành nghiêm luật của nước sở tại, góp phần thúc đẩy và vun đắp cho quan hệ hai nước. Mỗi thầy, cô giáo không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức-kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, linh hoạt, sáng tạo trong đổi mới tư duy dạy và học; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước tới các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước.
Các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới đời sống tinh thần, tâm, sinh lý, những nguyện vọng chính đáng của các em; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân-thiện-mỹ và đặc biệt, chú trọng giáo dục cho các em nhận thức và hiểu rõ về lịch sử truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, về tinh thần đoàn kết và sự gắn bó bền chặt giữa nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Tô Lâm tặng quà cho Trường song ngữ Lào-Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Đối với các em học sinh, Chủ tịch nước căn dặn thực hiện lời Bác Hồ dạy, hiểu được tình cảm, sự hy sinh vất vả và cống hiến hết mình của các thầy cô để cố gắng, hăng hái hơn nữa trong học tập và rèn luyện, để mang lại niềm vui, tự hào, hạnh phúc cho các thầy cô, cho bố mẹ, gia đình; xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.
Dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm trao quà là 30 nghìn USD tặng nhà trường.
Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu chụp ảnh chung với thầy cô giáo và học sinh Trường song ngữ Lào-Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Năm 2005, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí hơn 500 nghìn USD để xây dựng Trường trên khu đất rộng 10.379m2 do Chính phủ Lào cấp, hoàn thành năm 2008. Trường dạy chương trình 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Lào từ mẫu giáo đến trung học phổ thông.
Hiện nay, Trường có khoảng 1.073 học sinh (trong đó 30% là con em người Việt) với 60 cán bộ, giáo viên.
Nhiều năm đạt trường xanh sạch đẹp; nhiều học sinh giỏi cấp, thành phố. Học sinh Trường song ngữ Lào-Việt Nguyễn Du không đơn thuần chỉ được học đọc, học viết mà còn được học cả văn hóa, những nét đẹp, truyền thống tốt đẹp của hai nước