(MPI) – Phát biểu với báo chí về kết quả Kỳ họp 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào diễn ra vào ngày hôm nay (09/01/2025), tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam – Lào bày tỏ tin tưởng rằng, thành công của Kỳ họp sẽ tạo ra động lực mới, đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
Họp báo được diễn ra ngay sau Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào dưới sự đồng chủ trì Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam – Lào và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phết Phom-phi-phắc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào – Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào. Ảnh: Nhật Bắc |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Xỏn-xay Si-phăn-đon đồng chủ trì. Tham dự Kỳ họp có đại diện Lãnh đạo của hơn 30 Bộ, ngành và địa phương của hai nước Việt Nam và Lào. Kỳ họp đã thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Tại Kỳ họp lần này, hai Bên đã đánh giá tổng thể về tình hình hợp tác hai nước trong năm 2024, thống nhất và cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao vào Thỏa thuận Kế hoạch hợp tác giữa hai nước năm 2025 và sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị – đối ngoại, an ninh – quốc phòng, đầu tư – thương mại, cụ thể như tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Lào, nhất là kết nối về giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, du lịch, nông nghiệp; có các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án viện trợ, dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào và của Lào tại Việt Nam; kiên quyết khắc phục tình trạng chậm trễ, dàn trải trong hợp tác đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển giao thương giữa hai nước; thúc đẩy tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều…
Tạo chuyển biến mới trong hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, Y tế và Khoa học Kỹ thuật. Thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế và xã hội của Lào, đặc biệt là cơ sở hạ tầng mang tính kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến một số nội dung hợp tác cụ thể đã được thống nhất tại Kỳ họp như hai Bên đánh giá cao và vui mừng về kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước trong năm 2024. Hai bên đã triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận cấp cao và các thỏa thuận Bộ, ngành, địa phương.
Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Hợp tác quốc phòng, an ninh chặt chẽ, thực hiện tốt việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước.
Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư được quan tâm, thúc đẩy và thu được những kết quả rất đáng ghi nhận: Lũy kế đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào đạt 267 dự án, với tổng vốn đăng ký là 5,7 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Đáng chú ý là đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023; các doanh nghiệp đã đóng góp thuế và nghĩa vụ tài chính khác trong 5 năm trở lại đây khoảng 200 triệu USD/năm, luỹ kế từ năm 2015 đến nay khoảng 1,8 tỷ USD; đóng góp gần 160 triệu USD cho công tác an sinh xã hội.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 ước đạt 2,2 tỷ USD tăng 33,9% so với năm 2023, trong đó đáng ghi nhận là Lào đã xuất siêu sang Việt Nam khoảng 732,7 triệu USD. Đạt được kết quả này có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hai Bên thống nhất tập trung thực hiện tốt các Tuyên bố chung; Thỏa thuận ký kết tại Kỳ họp 47; thúc đẩy quan hệ chính trị – đối ngoại – an ninh quốc phòng, đầu tư, thương mại (phấn đấu đưa kim ngạch song phương hai nước năm 2025 tăng từ 10-15% so với năm 2024). Mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối hai nước, hợp tác quản lý sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên…; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án sử dụng viện trợ của Việt Nam dành cho Lào và các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước mở rộng quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau hợp tác trên các lĩnh vực mà hai Bên có thế mạnh;
Trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, hai nước ủng hộ và hợp tác tốt trong các Tổ chức, Diễn dàn quốc tế và khu vực. Các nội dung trên đã được cụ thể hóa vào các Văn kiện Kỳ họp 47 mà hai Chủ tịch Ủy ban hợp tác hai nước vừa ký kết.
Ngay sau Kỳ họp này, Chính phủ Việt Nam sẽ quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan, phối hợp chặt chẽ với các đối tác bạn Lào, triển khai ngay và thực hiện có hiệu quả các cam kết tại Kỳ họp 47.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phết Phom-phi-phắc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào – Việt Nam cho biết, tại Kỳ họp lần này hai bên đánh giá cao kết quả triển khai các thỏa thuận, hợp tác giữa Lào và Việt Nam trong suốt năm qua, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân Lào và Việt Nam.
Quan hệ hợp tác chính trị, đối ngoại tiếp tục bền vững, ổn định, toàn diện, xây dựng lòng tin lẫn nhau ở mức cao, thường xuyên có sự trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp một cách thường xuyên, là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đặc biệt, vĩ đại giữa hai nước. Hai nước cũng luôn hỗ trợ trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, các khuôn khổ đa phương trong khu vực và quốc tế.
Về hợp tác kinh tế, hai bên đã nỗ lực tổ chức và thực hiện các thỏa thuận giữa hai Bộ chính trị, từng bước được cải thiện. Về thương mại, giá trị thương mại Lào – Việt Nam ước tính đạt mục tiêu kỳ họp lần thứ 46 đề ra. Năm 2024 vượt ngưỡng 2 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2023.
Về đầu tư, năm 2024, Chính phủ Lào cấp phép cho 12 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam; hai bên tiếp tục nỗ lực với tư cách là chủ sở hữu chung, tìm kiếm cơ chế, giải pháp giúp đỡ lẫn nhau trong việc thúc đẩy đầu tư chung giữa hai nước thuận lợi, linh hoạt hơn. Nổi bật nhất là việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió, như: Điện gió Heong Son, dự án điện gió Savan 1… được triển khai tốt.
Kết nối hạ tầng: Hai bên cùng thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng đa dạng nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa giữa hai nước cũng như giữa các nước trong khu vực như: Điển hình như dự án bến cảng số 1, 2 và 3 thuộc Cảng Vũng Áng; Dự án đường sắt Lào – Việt Nam; Dự án đường cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội…
Về hợp tác văn hóa – xã hội ngày càng đi vào chiều sâu. Hai bên tái khẳng định trong thập kỷ mới sắp tới, hai bên sẽ tập trung nâng cao chất lượng tuyển chọn sinh viên Lào sang học tập tại Việt Nam. Năm 2025, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cấp 1.160 học bổng cho học sinh, sinh viên Lào sang học tập tại Việt Nam.
Thành công của Hội nghị lần này, hai Thủ tướng Lào và Việt Nam đã chứng kiến lễ ký và bàn giao 04 văn kiện hợp tác, trong đó có Biên bản Hội nghị lần thứ 47, Thỏa thuận Kế hoạch hợp tác năm 2025 giữa Chính phủ Lào và Việt Nam; Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Thể thao Lào và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; đặc biệt là việc ký kết thỏa thuận mua bán điện, than giữa hai bên.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phết Phom-phi-phắc khẳng định, cá nhân Ông cùng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng sẽ tiếp tục chỉ đạo, động viên các cơ quan liên quan tăng cường quan tâm hiện thực hóa các văn bản đã ký kết giữa Chính phủ hai nước để mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước Lào và Việt Nam. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng sự thành công của Kỳ họp lần này cùng với các văn kiện được ký kết sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam vốn đã ở mức cao, nhằm đạt được mục tiêu cao hơn nữa, được nâng lên một tầm cao mới./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-9/Moi-quan-he-hop-tac-Viet-Nam–Lao-ngay-cang-di-vaoang1cu.aspx