Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra nhiều đường hướng để đẩy mạnh việc hỗ trợ Ukraine về mọi mặt. Về phần mình, Ukraine mong muốn EU đưa ra càng nhiều lệnh trừng phạt Nga càng tốt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video gửi tới hội nghị thượng đỉnh EU. (Nguồn: DW) |
Chiến dịch dài hơi
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/6 đã tuyên bố họ sẽ thực hiện các cam kết an ninh lâu dài để tăng cường an ninh của Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Volodymyr Zelensky hối thúc EU khởi động một vòng trừng phạt mới đối với Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, các nhà lãnh đạo đã tiếp tục lên án Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine và cho biết EU cùng các nước thành viên “sẵn sàng” đóng góp vào các cam kết giúp Ukraine tự vệ trong dài hạn.
Trong một văn bản tóm tắt các kết luận của hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ nhanh chóng xem xét hình thức của những cam kết này.
Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, đã đề xuất rằng họ có thể củng cố những hỗ trợ hiện hành của EU, chẳng hạn như Quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu đang tài trợ hàng tỷ Euro vũ khí cho Ukraine cũng như các khóa huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Ông nói: “Hỗ trợ quân sự cho Ukraine phải ‘dài hơi’”, gợi ý đến việc EU có thể thành lập Quỹ Phòng vệ Ukraine, mô phỏng theo Quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu.
Quan chức cấp cao EU bổ sung thêm: “Việc huấn luyện phải được tiếp tục, hiện đại hóa quân đội phải tiếp tục. Ukraine cần cam kết của chúng ta để tiếp tục đảm bảo cho an ninh của họ trong và sau cuộc xung đột”.
Các thành viên EU, Pháp và Đức, cùng với Anh và Mỹ, đã dẫn đầu các nỗ lực để đạt được các thỏa thuận an ninh song phương nhằm cung cấp cho Ukraine, tài trợ trang thiết bị quân sự, đào tạo và tình báo trong dài hạn. Các cam kết được đưa ra để trấn an Kiev và tạo niềm tin cho họ về sự hỗ trợ lâu dài của phương Tây.
Cam kết nhưng phải rõ ràng
Theo các nhà ngoại giao, Pháp, nước ủng hộ vai trò an ninh và quốc phòng lớn hơn của châu Âu, đã đề xuất văn bản tóm tắt kết luận của hội nghị thượng đỉnh EU.
Tuy nhiên, nó đã được sửa đổi để xem xét đến những lo ngại của các quốc trung lập về quân sự và những quốc gia ủng hộ hợp tác xuyên Đại Tây Dương như các quốc gia vùng Baltic, vốn coi an ninh châu Âu chủ yếu là vấn đề của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với vai trò mạnh mẽ của Mỹ.
Văn bản này đã vấp phải một số phản đối từ Ireland, Malta và Áo, những quốc gia muốn có sự rõ ràng về những gì “cam kết”.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar trước thềm hội nghị đã nói rằng các chi tiết là “thứ mà chúng tôi sẽ rút ra được như một phần của các cuộc thảo luận ngày hôm nay”.
Ông nói thêm rằng “Chúng tôi đang hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính và chính trị. Chúng tôi hài lòng khi thực hiện các cam kết an ninh liên tục đó nhưng điều chúng tôi không thể làm với tư cách là một quốc gia là tham gia vào một cam kết về phòng thủ chung vì điều đó sẽ vi phạm chính sách trung lập của chúng tôi”.
Tuyên bố trên của EU đã dẫn đến một cuộc thảo luận giữa các thành viên NATO và các cường quốc quân sự như Mỹ, Anh, Pháp và Đức về các biện pháp đảm bảo với Ukraine rằng phương Tây cam kết tăng cường an ninh cho nước này trong dài hạn.
Một số quốc gia thành viên trước đó cho biết ý tưởng về “các cam kết” được định nghĩa rất lỏng lẻo và yêu cầu bộ phận chính sách đối ngoại của EU đưa ra một tài liệu hệ thống hóa các điều khoản.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện khá nhiều cam kết về an ninh”, đề cập đến sự hỗ trợ tài chính của khối cho Kiev và các sáng kiến của họ nhằm tìm nguồn, sản xuất và cung cấp số lượng đạn dược ngày càng tăng.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU qua hình thức trực tuyến, ông Zelensky đã cảm ơn họ về gói trừng phạt thứ 11 chống lại Nga, được phê duyệt vào đầu tháng 6 nhằm ngăn chặn các quốc gia và công ty khác tránh các biện pháp hiện có.
Ông cho hay: “Điều quan trọng là không ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt. Càng có ít khoảng dừng, Nga sẽ càng ít có thời gian để thích nghi với áp lực và nghĩ ra các cách tránh các lệnh trừng phạt”.
Trong khi đó, Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy hàng đầu của NATO ở châu Âu, đã phát biểu tại một cuộc họp kín vào tuần trước rằng cuộc phản công vừa qua của Ukraine vẫn chưa đạt được những thành công đáng kể và đang gặp khó khăn trước các tuyến phòng thủ của Nga. Ông đã nói với những người có mặt rằng “Nga vẫn có lợi thế về số đông”.
SHAPE, trụ sở quân sự của NATO, từ chối bình luận về nhận xét riêng của Tướng Cavoli.
Trong một tuyên bố, họ cho biết: “NATO đã theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Ukraine kể từ khi bắt đầu. Giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột có thể lâu dài và khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine”.
Hầu hết thành viên EU cũng là thành viên của NATO. Tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra từ ngày 11-12/7 tới đây, NATO sẽ tìm cách cung cấp cho Ukraine nhiều đảm bảo an ninh hơn nếu nước này không đủ tư cách trở thành thành viên NATO.
Các quốc gia EU đã cung cấp hàng tỷ USD cho Ukraine, vừa để tăng cường năng lực quân sự, vừa đảm bảo nền kinh tế của nước này tiếp tục được duy trì. Các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét kỹ hơn việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga, ước tính khoảng 200 tỷ Euro, cho mục đích đó.
Một số quốc gia lo ngại cơ sở pháp lý cho điều đó vẫn còn quá yếu, và Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo rằng việc tịch thu những tài sản của Nga hoặc lợi nhuận tích lũy từ đó có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho uy tín của đồng Euro.