Đọc và chợt thấy ấm áp khi nghĩ về lớp của chúng tôi: 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985.
Ra trường từ năm 1985, bạn bè trong lớp tứ tán mỗi người mỗi nơi. Đứa vô đại học, đứa vào trung cấp, đứa đi bộ đội, đứa theo gia đình đi lập nghiệp phương xa, đứa xích lô, xe thồ, hoặc bán buôn, thợ xây, thợ mộc đủ cả… Đó là giai đoạn đất nước đang còn rất khó khăn, cơm áo gạo tiền luôn là nỗi lo thường nhật nên có đâu mà nghĩ chuyện hội quân họp lớp. Mãi phải 25 năm sau, nhân đi viếng đám tang ba của một bạn trong lớp, một số bạn bày tỏ ước ao làm sao để 12Đ họp lớp một bữa, để mà thăm nhau, mà trò chuyện cho thỏa niềm thương nhớ kéo dài đã ngót một phần tư thế kỷ. Sự gợi ý vô tình đã chạm vào nỗi niềm chung, và nhóm nhỏ những bạn có mặt hôm ấy đã hạ quyết tâm kết nối để tổ chức hội lớp lần đầu. Ngày tổ chức nên chọn ngày nào? Ai đó lên tiếng: 25 năm ra trường, để dễ nhớ, lấy luôn ngày 25/5 đi. Ý tướng hay! Vậy là 25/5 được chọn, rồi trở thành như một ngày truyền thống của 12Đ chúng tôi.
Sau cái hôm ấy, một nhóm anh em trong lớp mỗi người mỗi tay, dò hỏi thông tin, gọi điện, nhắn tin kết nối, lên chương trình, địa điểm cuộc gặp mặt, dự kiến khách mời… Tất nhiên, để có thể tổ chức được, cho dù quy mô có to nhỏ thế nào đi nữa, vấn đề “đầu tiên” phải là “tiền đâu”? Lớp ra trường đã 1/4 thế kỷ chưa một lần gặp mặt, đâu có ban liên lạc, đâu có “quỹ đen quỹ đỏ” gì mà lấy ra. Cho nên, giải pháp không cần nói thì ai cũng biết: Góp gió. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, lớp có người giàu người nghèo, góp thế nào? Người có điều kiện thì vô cùng đơn giản, nhưng với những bạn có hoàn cảnh khó khăn thì sao? Vài ba trăm ngàn đối với họ là cả vấn đề, chưa kể hôm ấy đi họp mặt, cũng đồng nghĩa với nghỉ làm, không thu nhập…
Bài toán đặt ra có lời giải nhanh và cũng đơn giản: “Trâu béo kéo trâu gầy”, nghĩa là người có điều kiện thì góp nhiều, người khó khăn thì góp ít, thậm chí có thể không phải đóng góp, chỉ cần có mặt là được. Song, đã 25 năm rồi, bây chừ không biết tính nết mỗi người nó như thế nào, nhất là các bạn điều kiện kinh tế không mấy dư dả, chưa nói nghèo – Những “đối tượng” rất dễ tổn thương, rất dễ tự ái. Ứng xử không khéo, chạm vào lòng tự trọng, người ta vùng vằng bỏ về cái là hư sự, vui đâu chưa thấy, lại trở nên muộn phiền. Vậy là nhóm “cốt cán lâm thời” của lớp phải mất mấy buổi họp bàn tìm cách ứng xử. Ơn trời, cuối cùng thì buổi gặp mặt diễn ra thành công trên cả mong đợi. Giàu nghèo cùng chung một khối, không có sự phân biệt, không có sự nghi ngại, tổn thương, chỉ có tình thân, sự thương yêu, sẻ chia, niềm vui và niềm hạnh phúc vô bến bờ của ngày gặp mặt…
Từ cái ngày 25/5 năm ấy, mọi người thống nhất cố gắng duy trì hội lớp hàng năm. Khi có điều kiện thì tổ chức khí thế, không có điều kiện thì ngồi với nhau dăm ba chai bia hoặc ly cà phê cũng không vấn đề gì. Cả năm đầu tắt mặt tối đôi lúc không một lần gặp nhau, nên đó là dịp để thăm hỏi, gắn kết, dịp để mọi người cùng “nạp lại năng lượng” cho một vòng quay mới của việc vàn, công tác. Đặc biệt là để cùng nhau rà soát, giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn lực tuy không nhiều, nhưng với những trường hợp như vậy, lớp chúng tôi đã duy trì được việc làm khá ý nghĩa là tặng sách vở cho con em các bạn ấy cho đến lúc các cháu học xong bậc phổ thông trung học. Vượt trên cả sự sẻ chia, giúp đỡ, đó còn như một sự động viên, khích lệ để các cháu phấn đấu học tốt, học giỏi. Đến năm ngoái thì lớp chúng tôi đã “hoàn thành 100% chỉ tiêu” việc làm này. Rất vui là cháu nào cũng qua hết phổ thông, vào đại học hoặc những ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, năng lực. Vui hơn nữa là có cháu nay đã tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm việc ở doanh nghiệp có thương hiệu.
…Mới 25 năm đó mà thoắt cái nay đã gần 40 năm kể từ lúc rời mái trường Quốc Học mến thương, lớp chúng tôi nay nhiều bạn đã “phơ phơ đầu bạc”, cũng vẫn có người giàu, người chỉ đủ sống như lẽ thường cuộc đời vẫn vậy. Và cũng vẫn thế, hàng năm chúng tôi đều có 1 lần hội lớp, cũng tổ chức với phương thức cũ mà tròn đầy thân ái, yêu thương và đầy ắp tiếng cười chứ không hề một gợn lăn tăn. Không hiểu sao tôi tin rất nhiều lớp khác cũng sẽ vậy. Còn chuyện “người giàu thiếu tinh tế…” như phản ánh, có lẽ vẫn có, nhưng chắc rằng chỉ là đó đây thôi chứ không phổ biến. Bởi chỉ mới nghĩ thôi, sao thấy nó đã dị hợm, đã xa lạ vô cùng với không khí, với bối cảnh của những ngày hội lớp.