Táo đỏ có tác dụng gì?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời ThS.BSNT. Lê Thanh Hằng – Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, táo đỏ hay còn gọi là đại táo, là quả chín của cây táo tàu có tên khoa học là Zizyphus sativa Mill, thuộc họ Táo Rhamnaceae. Cây có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đất Nam Á và bắt đầu được đem đi nhân giống ở nhiều nơi trên thế giới.
Táo đỏ vị ngọt, tính ôn, quy kinh tỳ vị, tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng vị sinh tân, điều hòa dinh vệ, hòa giải các vị thuốc.
Táo đỏ mang lại nhiều lợi ích như:
– Táo đỏ có hàm lượng kali phù hợp giúp cơ thể cân bằng điện giải và duy trì sức mạnh cơ bắp.
– Lignins trong táo đỏ là loại chất xơ có đặc tính chống oxy hóa, kích thích sản xuất tế bào miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Vitamin C trong táo đỏ cũng là thành phần có tác dụng nâng cao miễn dịch, tăng cường đề kháng cho cơ thể.
– Các hợp chất chống oxy hóa trong táo đỏ như flavonoid, polysaccharide, axit triterpenoid và vitamin C có thể ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do. Nhờ đó giúp cơ thể phòng ngừa nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim mạch và nhiều loại bệnh ung thư.
– Hoạt chất phenolic, saponin và flavonoid trong táo đỏ có thể làm dịu thần kinh, giúp an thần nên có thể giảm căng thẳng, giúp chúng ta dễ ngủ, ngủ ngon, sâu giấc hơn.
– Các chất trong táo đỏ được cho rằng có thể cải thiện chức năng não bộ, bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương, tăng cường trí nhớ.
– Với hàm lượng chất xơ cao, táo đỏ hỗ trợ tiêu hóa, giúp nhuận tràng và phòng táo bón.
– Các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh táo đỏ giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột, giảm nguy cơ viêm loét dạ dày.
– Táo đỏ có thể giúp giảm nồng độ creatinin và urê nên rất tốt cho thận.
– Trong táo đỏ có hàm lượng sắt và phốt pho dồi dào nên giúp người ăn phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Các hoạt chất saponin, alkaloid và triterpenoid cũng có tác dụng thải độc máu.
– Các thành phần khoáng chất canxi, phốt pho, sắt có trong táo đỏ giúp tăng cường sức mạnh xương khớp, giảm nguy cơ loãng xương.
Mỗi ngày nên ăn mấy quả táo đỏ khô?
Báo Lao động dẫn nguồn trang Healthline cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, táo đỏ có hàm lượng đường khá cao, nếu sử dụng không đúng cách, có thể làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch, vì đường dư thừa trong cơ thể có thể gây ra các phản ứng viêm, làm suy yếu hệ miễn dịch theo thời gian.
WHO khuyến nghị, chỉ nên ăn 3-5 quả táo đỏ mỗi ngày để đảm bảo hấp thụ tối đa lợi ích mà không gây tác dụng ngược.
Nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng và Sức khỏe Hàn Quốc cũng nhấn mạnh, mặc dù táo đỏ tốt cho hệ miễn dịch, nhưng những người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc có vấn đề về tiêu hóa nên tránh ăn quá nhiều vì chất xơ trong táo đỏ có thể gây đầy hơi, khó tiêu.
Viện này khuyến khích người dùng có thể kết hợp táo đỏ với các loại thảo dược khác như cam thảo hoặc gừng, giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm thiểu khả năng gây kích ứng dạ dày.
Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) khuyến cáo, người đang dùng thuốc an thần, thuốc chống đông máu, hoặc thuốc điều trị bệnh lý mạn tính cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng táo đỏ, bởi táo đỏ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc này.
Nhìn chung, táo đỏ là một lựa chọn tuyệt vời để tăng cường miễn dịch nếu sử dụng đúng cách. Tuân thủ các lưu ý về liều lượng, đối tượng sử dụng, cách kết hợp sẽ giúp bạn tận dụng tối đa lợi ích từ loại quả này mà không gặp phải rủi ro cho sức khỏe.
Nguồn: https://vtcnews.vn/moi-ngay-nen-an-may-qua-tao-do-kho-ar905519.html