Là hộ có diện tích trồng vải thiều lớn nhất nhì của xã Cư Prao, bà Vũ Thị Mùi cho biết, gần chục năm trồng vải chưa khi nào gia đình bà mất mùa như năm nay.
Mùa vải năm 2023, với 400 gốc vải thiều, gia đình bà Mùi thu hoạch hơn 8 tấn quả, với giá bán tại vườn bình quân từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà lãi trên 150 triệu đồng.
Năm 2024, gia đình bà Mùi kỳ vọng một mùa vải “ngọt”, bởi có thêm 200 gốc vải cho thu hoạch bói. Tuy nhiên, hiện tại đã bước vào mùa thu hoạch vải nhưng trong số hơn 600 gốc đang thời kỳ kinh doanh của gia đình bà Mùi, số cây đậu quả chỉ tính trên đầu ngón tay. Đến thời điểm hiện tại, gia đình bà Mùi đã ngừng chăm sóc để chờ vụ mới.
Tương tự, nhìn vườn vải u hồng hơn 300 gốc chỉ toàn là chồi và lộc, bà Đàm Thị Choòng (xã Ea Pil) không khỏi ngậm ngùi.
Nếu như những năm trước, bình quân vườn vải của gia đình bà Choòng cho thu gần 100 triệu đồng lãi ròng/năm, thì vụ này xem như mất trắng khi cây không ra hoa, lỗ công chăm sóc và hơn 30 triệu đồng tiền đầu tư phân bón.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, gia đình bà Choòng tập trung chăm sóc vài sào hoa màu và làm thêm công nhật hy vọng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Vườn vải thiều của một hộ dân tại thị trấn huyện M’Drắk, huyện M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) năm nay mất mùa.
Không chỉ riêng gia đình bà Mùi, bà Choòng, phần lớn diện tích vải trên địa bàn huyện M’Drắk năm nay đều không ra hoa, nếu có thì tỷ lệ phân mầm, đậu quả rất thấp.
Theo kinh nghiệm của các hộ dân trồng vải lâu năm trên địa bàn huyện M’Drắk, nguyên nhân khiến vải mất mùa chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi với sinh trưởng của cây vải.
Thời gian phân hóa mầm hoa của cây vải phụ thuộc vào giống, vùng trồng, vùng khí hậu, kỹ thuật thâm canh; quá trình phân hóa mầm hoa tuy phức tạp nhưng đều có một số quy luật chung, cây vải nghỉ sinh trưởng vào tháng 12 và phân hóa mầm hoa tập trung khoảng một tháng.
Vì vậy cây vải thiều đòi hỏi nhiệt độ tháng 12 đến tháng 1 dưới 13°C để phân hóa mầm hoa; nhiệt độ thích hợp cho vải ra hoa, thụ phấn là 18 – 24°C. Trong khi đó, thời tiết gần đây biến động thất thường. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phân hóa mầm hoa và tỷ lệ đậu quả của cây vải thiều
Bên cạnh đó, theo quy luật, sau khi được mùa 3 – 4 năm, sức khỏe cây trồng thường kém đi, “một năm ăn quả, một năm trả cành”, mà vải trên địa bàn huyện M’Drắk đã liên tiếp được mùa từ năm 2020 đến nay.
Hiện nay, huyện M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) có 162,7 ha vải; tập trung ở các xã Ea Pil 115,7 ha, Cư Prao 35 ha, Cư Króa 12 ha. Theo đánh giá, cây vải ở huyện M’Drắk phù hợp với thổ nhưỡng, thường ra trái vụ so với các tỉnh phía Bắc, chất lượng và sản lượng tương đối cao nên rất được ưa chuộng.
Nguồn: https://danviet.vn/moi-nam-loai-qua-nay-dan-dak-lak-khen-ngot-ngon-tai-sao-nam-nay-nhin-len-cay-lai-keu-dang-20240505004740573.htm