Mỗi năm khoảng 70 nghìn người Việt chết vì các bệnh do thuốc lá
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 70.000 tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo sản phẩm này do Bộ Y tế tổ chức ngày 5/7, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh một lần nữa nói đến tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử và gánh nặng do thuốc lá đang gây ra cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. |
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8% (theo nghiên cứu Bệnh viện K).
25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Ngoài ra, hiện số tiền chi cho thuốc là là khoảng 49.000 tỷ VNĐ/năm (Ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.
Còn về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử theo ông Khoa, hiện tình trạng này đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh chóng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023.
Xu hướng này cũng xuất hiện ở người trưởng thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm này cũng tăng nhanh từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020
Ở người trên 15 tuổi: Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 – 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%. Nhóm tuổi 25 – 44 tuổi là 3,2%. Nhóm tuổi 45 – 64 tuổi là 1,4%.
Tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã được đề cập và truyền thông rộng rãi rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, có những ca bệnh điển hình đã được các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin.
Vào năm 2022 và 2023, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp. Thời gian sử dụng, sử dụng lần đầu tiên: 81 người và đã từng dùng một thời gian: 1.143 người.
Thông tin thêm về tác hại của thuốc lá điện tử, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá gây ra 28 nhóm bệnh khác nhau, đặc biệt ung thư (điển hình là K phổi, 96,8% người K phổi hút thuốc lá);
Các bệnh tim mạch (đặc biệt bệnh tim, mạch vành, mạch não; các bệnh hô hấp (đặc biệt là viêm đường hô hấp và bệnh phổi tắc ngẽn mãn tính): 1,1 triệu người (năm 2009); ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và sinh dục ở cả 2 giới. Mỗi năm khoảng 70 nghìn người Việt chết vì các bệnh do thuốc lá.
Nguồn: https://baodautu.vn/moi-nam-khoang-70-nghin-nguoi-viet-chet-vi-cac-benh-do-thuoc-la-d219361.html