Giá thế giới đi xuống kéo vàng miếng và nhẫn trơn trong nước giảm cả triệu đồng một lượng vào phiên cuối tuần.
Sáng 13/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua bán vàng miếng tại 81,2 – 83,7 triệu đồng một lượng, giảm 1,3 triệu đồng chiều mua vào và 800.000 đồng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Giá vàng miếng mua bán tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI sáng nay tại 81,7 – 83,7 triệu đồng.
Mỗi lượng vàng nhẫn trơn 24K cũng giảm cả triệu đồng. SJC hạ giá nhẫn trơn xuống 74,3 – 76,2 triệu. Tại Mi Hồng, giá vàng nhẫn về 73,4 – 75 triệu một lượng.
Trên thị trường quốc tế, sau khi xác lập đỉnh 2.430 USD một ounce, giá vàng quay đầu giảm mạnh tới gần 90 USD mỗi ounce và chốt phiên cuối tuần tại 2.343 USD.
Giới phân tích cho rằng thị trường đang điều chỉnh sau khi liên tiếp lập đỉnh gần đây. “Chúng tôi tin rằng thị trường đã quá hưng phấn. Nhưng việc điều chỉnh sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Đây chính là cơ hội lớn để mua vào”, Philip Newman – Giám đốc hãng tư vấn Metals Focus cho biết trên Bloomberg.
Việc thị trường biến động mạnh không phải là điều hiếm gặp, do vài tháng qua, diễn biến hàng ngày của vàng bị chi phối bởi các số liệu kinh tế vĩ mô và dự báo chính sách lãi suất.
Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá thế giới tương đương hơn 71,1 triệu đồng mỗi lượng. Hiện, chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới quanh 12,5 triệu đồng một lượng còn vàng nhẫn vênh 4,5-5,5 triệu đồng tùy thương hiệu.
Ngay sau chỉ đạo mới đây của Thủ tướng, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay việc tăng nguồn cung vàng miếng để giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới.
Lâu nay, SJC là đơn vị được giao độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng trên thực tế chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho đơn vị này dập thêm. Do đó, nguồn cung mặt hàng này trở nên hạn chế và cũng là một nguyên nhân khiến vàng miếng neo cao so với thế giới.
Quỳnh Trang