Cưới sớm để “chạy… bão”
Saima chỉ mới 15 tuổi khi cô bị gả vào mùa Hè năm ngoái cho một người đàn ông gấp đôi tuổi cô ở quận Dadu, tỉnh Sindh, miền nam Pakistan. Đám cưới diễn ra ngay trước mùa gió mùa, mang theo mưa như trút nước và lũ lụt.
Gia đình Sami lo ngại tình trạng này có thể lặp lại vào năm 2022, khi những trận mưa lớn và lũ lụt kỷ lục đã nhấn chìm một phần ba Pakistan trong biển nước, khiến hàng triệu người phải di dời và phá hủy mùa màng.
Gia đình một thiếu nữ khác, Saima, cũng phải di dời do thảm họa bão lũ năm 2022 và cha cô – một nông dân tên là Allah Bukhsh – đã mất đi kế sinh nhai.
Không thể nuôi sống gia đình, ông Bukhsh quyết định gả Saima để đổi lấy 200.000 rupee Pakistan (720 USD).
“Chúng tôi muốn thoát khỏi mưa bão và cảnh khổ sở trong các trại tị nạn. Đây không phải là điều dễ dàng”, ông Bukhsh trần tình khi được đài truyền hình Đức DW phỏng vấn.
Saima cho biết ban đầu cô rất vui khi được kết hôn nhưng rồi “mọi chuyện không dễ dàng như tôi mong đợi”. Cô gái hiện 16 tuổi này đã sinh con trong năm nay. “Trách nhiệm của tôi giờ đã tăng gấp đôi”.
Những cuộc hôn nhân sinh tồn
Tảo hôn rất phổ biến ở nhiều vùng khác nhau của Pakistan. Theo số liệu của chính phủ công bố vào tháng 12, quốc gia Nam Á này là nơi có số lượng trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi cao thứ 6 trên thế giới.
Độ tuổi kết hôn hợp pháp thay đổi từ 16 đến 18 ở các khu vực khác nhau tại Pakistan, nhưng luật này hiếm khi được thực thi nghiêm túc.
Trong bối cảnh đó, các nhóm nhân quyền cho biết những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng gây ra nhiều hệ lụy cho tương lai của trẻ em gái Pakistan.
Niaz Ahmed Chandio, điều phối viên của tổ chức phi chính phủ Ủy ban Quyền trẻ em, phát biểu: “Có 45 trường hợp tảo hôn được đăng ký tại Dadu trong năm qua nhưng tôi tin rằng có thể còn hàng chục trường hợp khác không được đăng ký”.
Các nhà hoạt động cho biết trong những trường hợp này, hôn nhân thường là để sinh tồn, khi các gia đình tuyệt vọng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn.
Mashooque Birhmani, người sáng lập tổ chức phi chính phủ SUJAG SANSAR, hợp tác với các học giả tôn giáo để chống lại nạn tảo hôn ở Pakistan, cho biết nghèo đói và tình trạng mất nhà cửa do bão lũ buộc các gia đình phải gả con gái đi để đổi lấy tiền.
SUJAG SANSAR cho biết: “Đây là những cuộc hôn nhân sinh tồn được thúc đẩy bởi mùa mưa bão và lý do đằng sau việc gả con gái là để giảm chi phí nuôi sống gia đình trong thời gian xảy ra thảm họa khí hậu”.
Osama Malik, một luật sư sống tại Islamabad, cũng có quan điểm tương tự. Malik nói: “Những trận lũ lụt trong những năm gần đây đã gây ra hậu quả vô cùng tàn khốc, phá hủy mùa màng khiến những người nông dân nghèo buộc phải gả con gái ngay khi chúng đến tuổi dậy thì”.
Thời tiết khắc nghiệt cộng hưởng với xã hội gia trưởng
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết Pakistan đã có những “bước tiến đáng kể” trong việc giảm tình trạng tảo hôn trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, UNICEF lưu ý rằng đất nước này đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ tác động của biến đổi khí hậu, ví dụ như trận lũ lụt dữ dội năm 2022.
Trong một báo cáo sau trận lũ lịch sử 2 năm trước, UNICEF nêu rõ: “Có bằng chứng cho thấy các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như thế này liên quan đến việc gia tăng nguy cơ tảo hôn. Trong một năm có sự kiện nghiêm trọng như thế này, chúng ta dự kiến sẽ chứng kiến tỷ lệ tảo hôn ở Pakistan tăng 18%, tương đương với việc xóa bỏ năm năm tiến bộ trước đó”.
Giữa bối cảnh như vậy, xã hội gia trưởng ở Pakistan càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
“Ở những gia đình đông con, trẻ em gái thường bị coi là gánh nặng và sẽ sớm bị bỏ rơi”, bà Afia Salam – một nhà báo chuyên viết về các vấn đề môi trường và giới tại Pakistan, cho biết.
Tảo hôn thường khiến các bé gái phải đối mặt với tình trạng làm mẹ sớm và các vấn đề sức khỏe sinh sản suốt đời. Các em cũng không có triển vọng học hành và việc làm nên dễ bị tổn thương và phải hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình để sinh tồn.
Vì thế, ông Niaz Ahmed Chandio, điều phối viên của Ủy ban Quyền trẻ em tại Pakistan, cho biết cha mẹ và cộng đồng địa phương phải được giáo dục nhiều hơn nữa về mối nguy hiểm của nạn tảo hôn và tác động của nó đến cuộc sống của các bé gái.
“Việc tăng cường và thực thi luật pháp và các biện pháp an sinh xã hội từ chính phủ và các nhóm cứu trợ là chìa khóa để giải quyết vấn đề”, ông Chandio nói.
Quang Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/moi-lien-he-giua-nan-tao-hon-o-pakistan-va-bien-doi-khi-hau-post310637.html