Đề xuất dạy 5 kỹ năng số cơ bản cho học sinh trong tiết học ngoại khóa
Việc tổ chức, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đã được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật cho đội ngũ nhân lực chuyển đổi số.
Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 1690) cũng đã nêu rõ, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng thuộc Mạng lưới chuyển đổi số tại địa phương.
Theo đánh giá của cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, thời gian qua, với những hoạt động tích cực, rộng khắp của Tổ công nghệ số cộng đồng, nhận thức và kỹ năng số cơ bản của người dân đã được cải thiện; từ đó, góp phần mang lại thành quả bước đầu cho công cuộc chuyển đổi số tại địa phương và cả nước.
Với kỳ vọng các Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục đóng góp tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương, ngày 8/8, Bộ TT&TT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là UBND cấp tỉnh) quan tâm, chỉ đạo để duy trì, phát huy hiệu quả, đẩy mạnh hoạt động của lực lượng này.
Cụ thể, triển khai Đề án 1690 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TT&TT đề nghị UBND cấp tỉnh giao, chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch đưa nội dung giảng dạy 5 nội dung kỹ năng số cơ bản vào tiết học ngoại khóa cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Việc nêu trên, theo lý giải của Bộ TT&TT, là nhằm tăng cường hiểu biết cho học sinh, từ đó để đối tượng này tham gia hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng, phấn đấu đạt mục tiêu trong năm 2024 mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người thành thạo 5 kỹ năng số cơ bản, bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.
“Ngoài ra, địa phương chủ động có những sáng kiến khác nhằm phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương mình”, Bộ TT&TT hướng dẫn.
Thường xuyên cập nhật kiến thức cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng
Cũng theo đề nghị của Bộ TT&TT, tại các địa phương, Sở TT&TT sẽ phối hợp với cơ quan, đơn vị tại địa phương đề xuất, triển khai các mô hình chuyển đổi số tại thôn, bản, xóm, ấp, khóm, tổ dân phố, cụm dân cư gắn với 5 nội dung kỹ năng số cơ bản; đồng thời, tổng hợp và phổ biến, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo trong hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương mình.
UBND cấp tỉnh cũng được đề nghị giao tỉnh Đoàn chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc cử thành viên tham gia lực lượng nòng cốt trong Tổ công nghệ số cộng đồng, phát động các phong trào thi đua trong đoàn viên thanh niên tiên phong dùng các nền tảng, ứng dụng công nghệ số, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Các doanh nghiệp công nghệ số cùng cơ quan, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh cần quan tâm, tích cực cử cán bộ đầu mối thành thạo kỹ năng số tham gia hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Các doanh nghiệp công nghệ số, bưu chính, viễn thông tại địa phương cần có chính sách ưu đãi giá sản phẩm, dịch vụ số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đề nghị UBND cấp tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp, đợt bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến để cập nhật kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin mạng cho thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng. Việc bồi dưỡng, tập huấn có thể được tổ chức thành các đợt, theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong các chiến dịch ra quân hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.
Để tạo thuận lợi cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, trang bị kỹ năng số, Bộ TT&TT đã xây dựng tài liệu bồi dưỡng “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng năm 2023 – 2024” và đăng tải công khai trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch.
Ngoài ra, Bộ TT&TT dự kiến tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp tại địa bàn hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng trong hai quý cuối năm.
Trong năm thứ ba được tổ chức, Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10 có chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Cùng với các lực lượng khác, Tổ công nghệ số cộng đồng cần tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024.
Cụ thể, tại các địa phương, trong 10 ngày đầu tháng 10, chiến dịch ra quân “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số” của Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ được triển khai.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, lựa chọn trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh tôn vinh với các tập thể, cá nhân có thành tích, mô hình, sáng kiến, cách làm hay trong chuyển đổi số và hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng để khen thưởng chuyên đề dịp Ngày chuyển đổi số 10/10 của tỉnh.
Nhấn mạnh vai trò đồng hành của truyền thông, Bộ TT&TT đề nghị đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân về lợi ích của việc sử dụng các nền tảng số, công nghệ số trong cuộc sống hằng ngày và tăng cường sử dụng các dịch vụ, tiện ích của chuyển đổi số.
Tính đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, xóm, ấp dân cư, với số Tổ công nghệ số cộng đồng là 93.524 và 457.820 thành viên. |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/moi-ho-gia-dinh-co-it-nhat-1-nguoi-thanh-thao-5-ky-nang-so-co-ban-2309913.html