Thị trường nhà đất đóng băng đã hơn 1 năm trở lại đây khiến thị trường BĐS bị ngưng trệ, theo đó lực lượng môi giới BĐS vì thế cũng dần có sự suy giảm, số lượng môi giới bỏ việc chủ động và bị động đều gia tăng. Tình thế khó khăn khiến môi giới BĐS buộc phải lựa chọn bám trụ chờ thời hoặc dừng cuộc chơi.
Thời điểm khó khăn nhất của nghề môi giới đã qua?
Khảo sát mới nhất do Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – BĐS Đất Xanh Services (DXS – FERI) thực hiện vào tháng 9/2023, đối với cá nhân môi giới đã nghỉ việc về thời điểm dự kiến quay trở lại nghề môi giới BĐS, tín hiệu tích cực khi 11% cho biết đã trở lại nghề trong quý III/2023; 38% số người tham gia cho biết sẽ trở lại khi thị trường đã hồi phục; 24% cho biết đang phân vân, chờ tình hình thị trường năm 2024 sẽ quyết định sau; chỉ có 27% người được hỏi cho biết đã đổi nghề, không có ý định quay lại ngành BĐS.
Cũng theo thông tin trong báo cáo “Nghiên cứu Thị trường BĐS Việt Nam quý III và 9 tháng năm 2023” của FERI cho thấy, sau một thời gian dài tái cấu trúc, thu hẹp quy mô hoạt động, đến nay đã ghi nhận hoạt động tuyển dụng trở lại hàng loạt nhân viên kinh doanh từ các doanh nghiệp môi giới BĐS.
Thời gian vừa qua, các sàn môi giới lớn như Dat Xanh Services, Khải Hoàn Land, Cen Land, Hà Đại Phát, Cen, GPT, DXMD Việt Nam, Aka Land, Sao Việt, iHouzz,… đồng loạt tuyển dụng nhân viên kinh doanh và cộng tác viên ở mọi cấp độ, cũng như tổ chức nhiều chương trình tập huấn thực tế, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ kinh doanh.
Thị trường ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt về chính sách tuyển dụng và cam kết trả phí. Nhiều công ty môi giới ban hành chính sách tuyển dụng với mức thu nhập và hỗ trợ hấp dẫn để thu hút nhân viên kinh doanh như lương cơ bản dao động từ 5 – 20 triệu đồng/tháng, hỗ trợ chi phí makerting, cam kết thời gian thanh toán nhanh hoa hồng trong 48h, thời gian thưởng nóng trong 24 giờ…
Động thái này được đánh giá là sự chuẩn bị nguồn lực và đào tạo đội ngũ cho các dự án dự kiến mở bán trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Đồng thời, hành động tuyển dụng lượng lớn môi giới BĐS giai đoạn gần đây diễn ra trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư đang nỗ lực hoàn thiện công tác xây dựng và bàn giao sản phẩm cho khách hàng để vừa đảm bảo tiến độ cam kết với khách hàng, vừa thu hồi dòng tiền nhanh.
Bên cạnh đó nhiều chủ đầu tư còn mở “rổ hàng mới”, điển hình như thị trường BĐS quý III/2023 tại Tp.HCM ghi nhận số lượng nguồn cung mới căn hộ đạt khoảng 4.000 sản phẩm, tăng 74% theo năm; tại Đà Nẵng, nguồn cung mới căn hộ đạt khoảng 400 sản phẩm, tăng 100% theo năm.
Từ đó, các chủ đầu tư đều nỗ lực ra hàng, cạnh tranh khốc liệt về chính sách và cách thức bán hàng.
Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai
Chia sẻ về nghề môi giới BĐS giữa giai đoạn khó khăn, ông Lưu Quang Tiến – Phó Viện trưởng DXS – FERI cho rằng 12 tháng vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất đối với doanh nghiệp môi giới BĐS.
Tuy nhiên, “trong nguy có cơ” – giữa thời kỳ khó khăn đó, doanh nghiệp nào cần rời khỏi thị trường đã rời khỏi, doanh nghiệp nào cần cắt giảm nhân sự cũng đã tiến hành cắt giảm, ông Tiến ví von doanh nghiệp môi giới BĐS hiện như người bệnh đã qua cơn nguy kịch, đã hoàn tất việc cắt bỏ đi tất cả những thứ ốm yếu và xấu nhất trong “cơ thể” mình.
Sau giai đoạn ngủ đông, nhiều doanh nghiệp môi giới BĐS đã tích luỹ được rất nhiều thứ từ kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn, đặc biệt là chuẩn bị sức khoẻ tài chính tốt sau khi tối ưu vận hành để có thể đi trước đón đầu làn sóng hồi phục.
“Những môi giới BĐS giữ vững tâm thế chân cứng đá mềm, trung thành với nghề trong giai đoạn khó khăn nhất, tranh thủ lúc khó để nâng cấp bản thân… khi thị trường hồi phục chắc chắn sẽ có sự bùng nổ”, ông Tiến nêu quan điểm.
Đồng ý kiến, TS. Phạm Anh Khôi – Viện trưởng DXS – FERI cho rằng thị trường BĐS đã và đang ở trong thời kỳ thanh lọc mạnh mẽ. Sau khủng hoảng, sân chơi BĐS sẽ chỉ dành cho các doanh nghiệp thực sự mạnh khỏe, kinh doanh minh bạch, tuân thủ pháp luật.
Đối với cá nhân môi giới BĐS, đây cũng là thời điểm mà mỗi nhân viên môi giới đều phải nỗ lực làm mới, nâng cấp bản thân, học thêm nhiều kỹ năng mới, đa dạng hóa loại hình sản phẩm, đa dạng hóa tệp khách hàng, và rất kiên trì thì mới có thể trụ lại với nghề.
Bước vào quý IV/2023, đã hơn một năm trôi qua sau thời điểm thị trường BĐS suy giảm sâu, với nỗ lực của tất cả các bên từ Chính phủ đến doanh nghiệp, đến nay dù vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, nhưng đã có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường đang dần quay trở lại “đường đua”.
Trong nỗ lực vượt thách thức, các chủ đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào các chính sách dành cho khách hàng và người làm môi giới. Để đẩy mạnh chương trình “gom” đặt chỗ (booking), “gom” khách hàng, nhiều chủ đầu tư đã giảm số tiền nhận giữ chỗ có hoàn lại nhằm thu hút sự quan tâm và tạo sự thuận tiện cho khách hàng mua sản phẩm của các dự án.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cũng mạnh tay tăng phí môi giới cho đại lý, tăng thưởng thưởng nóng cho nhân viên kinh doanh, như dự án The Rivana (tăng thưởng từ 10 triệu lên 25 triệu đồng/sản phẩm); Bcons Polaris (tăng thưởng từ 5-8 triệu lên 10 – 15 triệu/sản phẩm); Royal River City (tăng thưởng thêm 3 chỉ vàng trị giá 19,8 triệu đồng/sản phẩm)…
Theo ông Khôi, đây chính là cơ hội và thời điểm “vàng” cho lực lượng môi giới bản lĩnh, chất lượng, kiên trì và có năng lực thực thụ thể hiện bản thân mình.
“Thị trường BĐS hiện đang là thị trường của người mua, thế nên cả người mua lẫn người môi giới đều đang có rất nhiều sự lựa chọn”, ông Khôi chia sẻ.