SGGP
Tại trụ sở Liên hợp quốc ở TP New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã tổ chức phiên thảo luận về mối đe dọa sống còn của nước biển dâng trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu.
Các biện pháp bảo vệ bờ biển trước nước biển dâng được thực hiện tại Ấn Độ. Ảnh: UN |
Đảm bảo an ninh, bền vững
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis đã nêu ra những tác động ngày càng phổ biến và rõ rệt của tình trạng nước biển dâng; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ các nước đang chịu tác động trực tiếp của tình trạng này cũng như của các hiện tượng biến đổi khí hậu khác.
Theo ông Francis, nước biển dâng cũng đang làm dấy lên câu hỏi về biên giới quốc gia, chủ quyền, vùng biển và tình trạng thành viên Liên hợp quốc. Ông Francis hối thúc các nước đảm bảo an ninh và sự bền vững trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu; hướng tới cách tiếp cận tập thể để hiện thực hóa lời kêu gọi “không bỏ ai lại phía sau”.
Các diễn giả và đại diện các nước tham dự phiên họp đã thảo luận về các thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra đối với các vấn đề an ninh, phát triển và sinh kế của người dân, đặc biệt ở các quốc đảo nhỏ và các vùng đất thấp. Các đại biểu kêu gọi tăng cường hành động và tài chính để thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Ý chí chính trị và hành động quốc tế
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh cần xem xét vấn đề nước biển dâng và tất cả các nỗ lực, biện pháp giải quyết tác động của hiện tượng này dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, để có thể giải quyết hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các nước phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết và tăng cường hành động, tài chính cho khí hậu, trong đó có các cam kết đưa ra tại Hội nghị Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) và Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu tháng 9-2023. Việt Nam kêu gọi đẩy nhanh việc thành lập Quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại đã được các nước thống nhất tại hội nghị COP27; tính đến lợi ích của các nước có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có các quốc đảo nhỏ và các nước dễ bị tổn thương nhất do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong chương trình hành động. Việc huy động ý chí chính trị và hành động của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các nước này là vô cùng quan trọng.
Là một trong số các nước có đường bờ biển dài chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn, Việt Nam hiểu rõ tác động của các hiện tượng này đối với an ninh và phát triển. Vì thế, Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường hành động khí hậu để thực hiện các cam kết của mình, trong đó có việc thành lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng và xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực; sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm. Thực tiễn, bài học với các nước và các đối tác để thúc đẩy các nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.