Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố gần 50 năm qua, từ khi thống nhất đất nước, cùng với sự nỗ lực, trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố còn có vai trò quan trọng, những đóng góp không thể thiếu của lực lượng báo chí – xuất bản nói chung và báo chí – xuất bản thành phố nói riêng.
Báo chí đã luôn đồng hành, trách nhiệm và bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền thành phố, phản ánh trung thực, sinh động tình hình kinh tế – xã hội, đời sống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân thành phố. Báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng về các mặt đời sống, sinh hoạt, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân; phản ánh những ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước cùng đông đảo đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài hiến kế xây dựng và phát triển thành phố…
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng, sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) được ban hành, thành phố cần giao các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nghị quyết cho đội ngũ những người làm báo nhằm trang bị kiến thức, cập nhật chủ trương, chính sách, những kết quả đạt được, những mặt thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện nghị quyết góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí.
Tổng biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước cho rằng: “Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí trong thiết lập các nguồn thông tin, giúp tuyên truyền chính sách tốt nhất, đầy đủ nhất cho người dân, kể cả cán bộ chính quyền hiểu hơn về các nghị quyết mà mình đang thực hiện. Lãnh đạo thành phố, người đứng đầu các cấp, các ngành cần xuất hiện trên báo chí thường xuyên hơn chứ không chỉ các chuyên gia, từ đó mới tạo dựng lòng tin trong nhân dân”.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định, báo chí – xuất bản không chỉ là kênh để Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành tiếp nhận các góp ý và sáng kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, còn có trách nhiệm lớn trong việc thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội, từ đó phát huy mạnh mẽ ý chí, quyết tâm, đoàn kết, năng động, sáng tạo của người dân thành phố; nâng cao ý thức, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đồng thời, đề ra các giải pháp thúc đẩy truyền thông về các Nghị quyết phát triển thành phố, qua đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và kết nối nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, xuất bản trong thực hiện công tác truyền thông.
“Các cơ quan báo chí cần nâng cao năng lực, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các phóng viên, nhà báo với tiêu chí báo chí phải nhạy bén, thông tin nhanh, phản biện đúng và trúng, góp phần đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện tốt hơn nữa cho báo chí tiếp cận thông tin, liên hệ công tác để kịp thời phản ánh, tuyên truyền trên các phương tiện xuất bản của báo về các kết quả, nội dung thực hiện các nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.