Nhà báo Võ Hà chia sẻ về những câu chuyện thú vị xung quanh chương trình “Tiếng thơ” vào những ngày bận rộn chuẩn bị các tiết mục Tết đến.
Càng gần gũi, gần với đời thường và thật là “Tiếng thơ”, “Tiếng lòng”
+ Những ngày giáp Tết tất bật với công việc, các Biên tập viên kênh VOV6 đang chuẩn bị cho chương trình “Tiếng Thơ” dành riêng cho ngày Tết. Chương trình Tiếng thơ ấy sẽ có gì khác với chương trình ngày thường, thưa chị?
– Tết nhất là thời gian để quây quần bên gia đình, người thân và nếu có thói quen nghe Đài, thính giả cũng sẽ ưa nghe những bài thơ giản dị, ấm áp, những lời dẫn như lời tâm tình, chia sẻ. Ban lãnh đạo VOV6, Trưởng ban, nhà báo Trần Nhật Minh cũng không yêu cầu các BTV phải làm một chương trình kiểu “to tát” mà làm sao càng gần gũi, gần với đời thường và thật là “Tiếng thơ”, “Tiếng lòng”. Chính vì thế, Tiếng thơ của VOV6 nhiều năm qua, qua các thế hệ BTV, thế hệ thính giả đều mong mang lại những điều nhỏ nhoi, thân thương với cảm xúc người nghe vậy thôi. Đương nhiên, những bài thơ được tuyển chọn phát sóng trong chương trình Tiếng thơ Tết cũng thật “Tết”, ấm áp, dư vị.
+ Tô điểm cho chương trình Thơ Tết không thể không nhắc đến những tên tuổi “vang bóng một thời” như các NS: Linh Nhâm, Kim Cúc, Vũ Kim Dung, Trần Thị Tuyết, Châu Loan… Ngày nay, việc “chọn mặt gửi vàng” để ngâm thơ Tết có giữ được những truyền thống xưa, có gì khác biệt, thưa chị?
– Nhân đây cũng xin được “khoe” với các thính giả tin vui là Nghệ sĩ Vũ Kim Dung (Nghệ sĩ biên chế của Đài TNVN đã nghỉ hưu) mới được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng NSND. Vào sáng 23/1 vừa qua, tại Trung tâm phát thanh quốc gia – số 58 Quán Sứ (Hà Nội) đã diễn ra chương trình giao lưu “NSND Vũ Kim Dung: Tiếng thơ sóng bước cuộc đời” do Ban VHNT (VOV6) tổ chức.
Và điều đặc biệt nữa là, Tiếng thơ mùng 2 Tết năm nay điểm nhấn là câu chuyện làm nghề của giọng ngâm nghệ sĩ Kim Dung, các nghệ sĩ ngâm thơ nói riêng và dư âm của Tiếng thơ trong lòng thính giả. Ngoài các giọng ngâm thì những năm gần đây VOV6 có tăng cường giọng đọc thơ. Có thể kể những giọng ngâm, giọng đọc mới gần đây có những đóng góp trên làn sóng như giọng ngâm của các nghệ sĩ Vương Hà, Văn Chương, Đăng Kiên, các giọng đọc như Đinh Lan Hương, Ngọc Thọ, Hoàng Tùng… Lãnh đạo cũng như biên tập chương trình nắm rõ được đặc trưng chất giọng của các nghệ sĩ nên “phân vai” vào các bài thơ sao cho phù hợp.
Trong Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình – Đài TNVN lưu lại được nhiều băng tư liệu quý giá giọng ngâm của các nghệ sĩ ngâm thơ kỳ cựu. Đó cũng là nguồn tư liệu được Ban Biên tập chúng tôi sử dụng hài hòa với các tư liệu âm thanh mới lưu trữ gần đây trong các chương trình Tiếng thơ Tết cũng như Tiếng thơ hàng tuần.
Bắt nhịp, giới thiệu, “sống” cùng nhiều tiếng thơ trẻ
+ Lựa chọn bài thơ hay phù hợp đã khó, lựa chọn thơ cho ngày Tết càng khó và lựa chọn người ngâm thơ sao cho bài thơ ấy được “tỏa sáng” thì càng không dễ. Xin chị chia sẻ đôi điều về những chuyện vui, chuyện buồn của người “gác sóng”?
– Đã có những lúc khi nghe một băng thơ từ kho âm thanh lưu trữ, chúng tôi “ngờ ngợ” khi tên người nghệ sĩ ngâm thơ thông tin trên văn bản đi kèm và giọng ngâm thơ thực sự không phải là một. Trường hợp đôi ba giọng ngâm thơ nghe qua, thậm chí nghe đi nghe lại thấy rất giống nhau không phải là hiếm. Lúc đó, những Biên tập viên, kỹ thuật viên thu âm, kho băng, phát thanh viên lâu năm, những “tai nghe” chuẩn đã thẩm giúp xem chính danh nghệ sĩ ngâm thơ là ai để giới thiệu lên sóng thật chính xác.
Cũng có khi tổ chức thu âm nghệ sĩ ngâm, đọc thơ, một bài thơ phải qua hai, ba giọng, mấy lần thu âm đi, thu âm lại mới được một bản ưng ý để lưu trữ, phát sóng. Đó, một chương trình tính ra thời lượng không nhiều nhưng là sự góp sức trong các khâu chọn lọc, biên tập, duyệt văn bản, thu âm, dàn dựng, phát sóng là sự chung tay của cả một tập thể.
Nói BTV “Tiếng thơ” VOV6 là người “gác sóng” chương trình cũng chưa chuẩn đâu, một đội ngũ “gác sóng” cả đấy: từ biên tập viên lên ý tưởng, bài vở, các quản lý phòng, rồi đến lãnh đạo Ban duyệt kỹ lưỡng văn bản, có khi văn bản tới tay phát thanh viên vẫn còn những điều phải trao đổi lại. Để có một chương trình hoàn chỉnh còn phải qua khâu chọn băng thơ, dàn dựng, tạo hiệu ứng âm thanh… là công sức của bao người….
+ Với “công sức của bao người” ấy thì những chương trình hay, những bài thơ đẹp đã được phản hồi như thế nào? Trong bối cảnh bão hòa thông tin hiện nay, việc nỗ lực để làm “tròn vai”, góp phần gìn giữ thương hiệu của Tiếng thơ hôm nay ra sao, thưa chị?
– Có những nhà thơ đã gọi, viết thư, nhắn tin cho chúng tôi, ngạc nhiên, vui sướng cho biết rằng người nhà, người thân, người quen qua làn sóng Tiếng thơ nghe được bài thơ này, bài thơ kia của họ đã báo tin. Họ không nghĩ rằng thơ của mình lại được lan tỏa theo một cách đầy bất ngờ và cũng ấm áp như vậy. Chúng tôi cũng thường xuyên nhận được sự chia sẻ, động viên của thính giả qua thư điện tử, đặc biệt là đều đều qua thư tay. Quý hóa nào hơn những lời thư chân tình, mộc mạc.
Những năm gần đây, cùng với việc lan tỏa những bài thơ đi cùng thời gian, chủ trương của Ban Lãnh đạo VOV6, cùng với các chương trình khác, Tiếng thơ của VOV6 cũng bắt nhịp, giới thiệu, “sống” cùng nhiều tiếng thơ trẻ, có lẽ vì thế chúng tôi vẫn được thính giả chia sẻ, đón nhận. Cũng qua đây, thay mặt những người làm chương trình, xin gửi lời cảm ơn tới các thế hệ thính giả đã yêu mến, ủng hộ Tiếng thơ cũng như các chương trình của Ban VHNT (VOV6) nhiều năm qua.
+ Xin trân trọng cảm ơn nhà báo!
Hà Vân (Thực hiện)