Nhiều bất cập trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), việc tăng cường kiểm soát hoạt động và cấp chứng chỉ cho hoạt động môi giới là một bước vô cùng quan trọng nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường. Đồng thời phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới.
Tuy nhiên hiện nay, việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hiện còn nhiều bất cập về chất lượng đào tạo và công tác tổ chức thi, khiến quá trình này trở nên phức tạp và chưa thực sự hiệu quả.
Trong đó, vấn đề đầu tiên là chất lượng khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS. Theo quy định pháp luật mới, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS là một trong những điều kiện cần đề dự thi kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới. Trước yêu cầu đó, thời gian gần đây, hàng loạt các khóa học đào tạo đã được tổ chức, chủ yếu dưới dạng trực tuyến, nhưng chất lượng các chương trình không đồng đều.
Ghi nhận của VARS và phản ánh của Hội viên cho thấy, các khóa học đào tạo được quảng cáo với tiêu chí nhanh chóng, dễ dàng và không tập trung vào chất lượng. Ngoài ra, việc đào tạo cũng diễn ra không nghiêm túc, giáo trình chưa bám sát yêu cầu thực tế hoặc nội dung giảng dạy chưa được cập nhật. Nhiều cơ sở đào tạo cũng thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực môi giới hoặc không có kiến thức chuyên sâu về luật và quy định hiện hành,…
Thế nhưng, các khóa học như trên lại thu hút nhiều người tham gia. Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi. VARS cho rằng, việc các khóa học kém chất lượng còn tồn tại là do công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghề môi giới vẫn còn lỏng lẻo, dù đã được quy định rõ trong Thông tư hướng dẫn.
Thứ hai là các vấn đề liên quan đến tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới BĐS được cấp chứng chỉ hành nghề, rất ít so với số lượng môi giới đang hành nghề trên cả nước. Đây là vấn đề đến từ nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Cụ thể, rất nhiều môi giới BĐS không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề do không sợ phạt. Dù đã có quy định rõ với cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề, nhưng vẫn chưa có thông tin về bất cứ trường hợp xử phạt nào. Thậm chí, tại một số địa phương có thị trường BĐS sơ khai, nhiều “cò đất” còn không biết tới các quy định mới này.
Còn nguyên nhân khách quan, do việc tổ chức các kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới BĐS chưa được triển khai đồng bộ và rộng khắp trên cả nước. Trong đó có nhiều môi giới có ý định gắn bó lâu dài với nghề, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đã tham gia nhiều khóa học nhưng phải chờ đợi lâu để có cơ hội dự thi. Điều này gây khó khăn cho những người đang hành nghề hoặc muốn nhanh chóng được cấp chứng chỉ.
Theo VARS, đến thời điểm hiện tại, Luật mới đã có hiệu lực được 2 tháng, nhưng vẫn chưa có bất kỳ tỉnh/thành nào công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi sát hạch. Do đó, nhiều môi giới vẫn tiếp tục khó tiếp cận các kì thi chứng chỉ, bởi các địa phương vẫn e ngại và chưa sẵn sàng thực thi.
Gỡ nút thắt cho cộng đồng môi giới
Theo VARS, để các kỳ thi sớm được tổ chức với chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, Sở Xây dựng hoặc các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định trước đó; hoặc có thể tham mưu cho địa phương về chính sách, quy định liên quan đến tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời giám sát chất lượng và tính minh bạch của các kỳ thi này.
Đặc biệt, hiện nay, việc giám sát hoạt động môi giới chưa được thực hiện chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều môi giới không quan trọng việc học và thi lấy chứng chỉ. Thậm chí dù có chứng chỉ nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm thực tế, hoặc hành nghề không đúng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Do đó, ngoài việc thi hành quy định cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm. Nhà nước cần nâng cao công tác hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ. Và có các cơ chế giám sát hoạt động của môi giới nhằm đảm bảo họ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp.
Ngoài ra, để nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ra thị trường do hoạt động môi giới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát của cả điều kiện cần – hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và công khai danh sách các cơ sở đào tạo đủ điều kiện. Đảm bảo các cơ sở đào tạo phải được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt và có quy trình đào tạo giảng viên đạt chuẩn. Và có các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những cá nhân hoặc đơn vị tổ chức đào tạo không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ quy định.
Nguồn: https://www.congluan.vn/moi-chi-co-khoang-40000-moi-gioi-bds-duoc-cap-chung-chi-hanh-nghe-post315439.html