Từ câu chuyện của CNN ngẫm về cách quảng bá hình ảnh đất nước
Chia sẻ tại một phiên họp chuyên đề về công tác ngoại giao văn hoá và thông tin đối ngoại trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Ngoại giao 32, ông Trần Nhất Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đã lấy câu chuyện của đài CNN để cho thấy nếu có cách làm mới thì sẽ thu hút sự chú ý của thế giới và mang lại có tác động rất lớn.
Ông Hoàng kể khi tham gia EXPO Dubai 2020, Đài CNN của Mỹ, khi đó đang đi tìm một câu chuyện về đổi mới sáng tạo ở triển lãm, đã đến tìm hiểu với đoàn Việt Nam để thực hiện phóng sự về các sáng tạo đột phá đang được giới thiệu tại Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai và phát sóng trên chương trình mang tên Innovate.
Trong quá trình tiếp đoàn, ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi đã mời họ ăn phở, xem nghệ thuật, nghe đàn bầu, sau đó mới giới thiệu một đôi giày do hai sinh viên Việt Nam tại Phần Lan làm ra từ bã cà phê”.
Ấn tượng với câu chuyện về người trẻ quan tâm đến việc tái chế, CNN đã đến tận Phần Lan để tìm gặp những sinh viên người Việt Nam tài năng đứng sau hãng giày Rens Orginal.đôi
Sau đó, CNN đã dành thời lượng rất lớn trong phóng sự để nói về cách làm của hai sinh viên người Việt Nam cũng như mong ước để có thể sản xuất giày tại chính quê hương.
Trong video đó, CNN mở đầu phần giới thiệu về Việt Nam bằng những hình ảnh ấn tượng của Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2002 Dubai với không gian văn hóa đậm chất Việt Nam.
“Giữa âm thanh của nhạc truyền thống, các tác phẩm nghệ thuật địa phương, tôi không nghĩ mình lại có thể tìm thấy các công nghệ tối tân. Nhưng hóa ra, nơi đây lại hiện diện những sáng tạo khoa học đầy cảm hứng và đều hướng tới mục tiêu bền vững”, nữ biên tập viên Giokos bình luận.
Từ câu chuyện này, hình ảnh của Việt Nam cũng lan tỏa toàn diện hơn và công việc kinh doanh hãng giày của hai bạn trẻ cũng có bước thay đổi lớn.
Ông Hoàng cho rằng, qua câu chuyện này có thể thấy một thông điệp: “Chúng ta có đầy đủ câu chuyện hay của người Việt trên khắp thế giới nhưng cần phải làm sao để kể câu chuyện Việt Nam theo cách thật mới”.
Ông Hoàng cũng chỉ ra một thực tế là khả năng truyền tải nội dung hiện nay không chỉ được sáng tạo bởi các kênh nhà nước hay các tập đoàn truyền thông lớn, mà đang được phân bổ rất rộng rãi.
Với sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, ông Trần Nhất Hoàng gợi ý nên tranh thủ các tiềm năng của những “KOL” (người có sức ảnh hưởng) tổ chức tham gia hoạt động này để có hiệu quả.
Cùng ý kiến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết hiện nay Việt Nam ước tính có khoảng 20.000 tài khoản cá nhân và kênh truyền thông lượng người theo dõi 10.000 trở lên, có những kênh lên đến vài triệu lượt theo dõi.
“Đây là một tiềm lực lớn, lực lượng này không cần ngân sách và chỉ mong được công nhận là những người làm tốt cho xã hội, đất nước, lan tỏa những điều tích cực trên không gian mạng. Khi được tham gia những vấn đề lớn của đất nước, họ rất vinh dự, sẵn sàng và sẽ mang nguồn lực của mình để tham gia”, ông Lâm nêu vấn đề.
Chẳng hạn tại cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tổ chức trao giải vào ngày 19/12 này. Các bài dự thi do người trong nước lẫn nước ngoài gửi đến, những tác phẩm đoạt giải rất hay và hoàn toàn có thể được sử dụng để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Thanh Bình, Phần Lan có một ngân hàng hình ảnh, video đồ họa, thông tin về Phần Lan hoàn toàn miễn phí.
Hằng năm, Bộ ngoại giao Hà Lan thường tổ chức tới 400 chuyến thăm mời các nhà báo, KOL để tìm hiểu về đất nước và chia sẻ rộng rãi về hình ảnh cũng như thông điệp quốc gia.
Song để huy động được nguồn lực này, cần có cơ chế, chính sách và cách huy động mới.
Con người là sứ giả lan tỏa văn hóa Việt Nam
Bên cạnh đó, theo nhiều Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, về sâu xa, con người chính là sứ giả, yếu tố quan trọng nhất lan tỏa văn hóa Việt Nam tới thế giới.
Chia sẻ bên lề Hội nghị ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết: “Để nói về điều người Pháp ấn tượng nhất thì đó chính là con người Việt Nam”.
Theo ông, với người Pháp, ai đến Việt Nam cũng ghi lại những ấn tượng sâu đậm về đất nước và con người, từ thái độ tiếp khách tại sân bay, khách sạn đến các địa điểm du lịch. Ngay cả những người dân bình thường bán bánh mì, bán phở trên đường phố cũng để lại những hình ảnh đẹp trong lòng du khách Pháp.
“Theo tôi, tài sản lớn nhất của chúng ta chính là con người. Con người thực hiện nhiệm vụ quảng bá, con người làm du lịch. Con người là các “đại sứ” trên từng lĩnh vực quảng bá hình ảnh đất nước tới bạn bè quốc tế” – ông Thắng nói và nhấn mạnh bản thân mỗi người dân cũng cần ý thức điều này khi ứng xử với bạn bè nước ngoài.
Cùng ý kiến, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang cũng cho rằng người Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Canada chính là sứ giả ngoại giao văn hóa.
“Họ chính là những người truyền tải hình ảnh, giá trị của Việt Nam một cách thực tế và gần gũi nhất đến với người dân Canada” – ông chia sẻ.
Theo Đại sứ Phạm Vinh Quang, hình ảnh đất nước Việt Nam trong suy nghĩ nhiều người dân Canada là những bức tranh khác nhau.
Do Canada ở khá xa Việt Nam, nên nhiều người địa phương vẫn nhìn hình ảnh đất nước từ cuộc chiến tranh Việt Nam trước kia. Tuy nhiên, cũng có những góc nhìn về Việt Nam đang phát triển kinh tế.
Đối với những người Canada đã từng đến Việt Nam, trong tâm trí họ, Việt Nam là đất nước có cảnh đẹp thiên nhiên, con người chan hòa.
Do vậy, rất cần những nỗ lực trong ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa để đưa đến cho người Canada những hình ảnh đầy đủ hơn về đất nước Việt Nam.
Một điển hình rõ nhất là cách Hà Tĩnh đang kết nối nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển, quảng bá văn hóa địa phương.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh Thái Phúc Sơn cho biết, với phương châm mỗi người Hà Tĩnh ở nước ngoài là một “Đại sứ Văn hóa”, cộng đồng người Hà Tĩnh ở nước ngoài ngày càng ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống quê hương Hà Tĩnh, gìn giữ và phát huy tiếng Việt trong lòng xã hội ở nước sở tại.
“Nhiều kiều bào trí thức của Hà Tĩnh đã đóng góp quan trọng công sức, trí tuệ trong xây dựng và bảo vệ hồ sơ di sản văn hóa của Hà Tĩnh trình được UNESCO công nhận” – ông Sơn nói.