MobiFone sẽ tập trung cho chiến lược 5G
Ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã có buổi thăm và làm việc với MobiFone.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch MobiFone cho biết, năm 2024 là năm bản lề của MobiFone trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm và phải mở ra không gian tăng trưởng mới. Đây cũng là năm MobiFone sẽ tiến lên 5G và phải đảm bảo hiệu quả khi đầu tư công nghệ mới. MobiFone sẽ xây dựng hệ sinh thái 5G và kết hợp các đối tác để phát triển các mô hình kinh doanh và dịch vụ mới.
Đồng thời, ông đưa ra phương châm của MobiFone là: “giữ vững viễn thông, tấn công không gian mới”, chuyển từ phát triển quy mô sang phát triển thực chất, nâng cao APRU (doanh thu trên mỗi khách hàng).
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ TT&TT, ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho biết, cho dù gặp nhiều thách thức, kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 của MobiFone là khả quan, dịch vụ mới hướng vào giới trẻ tăng trưởng tốt.
Tổng giám đốc MobiFone cho hay, nhà mạng này đã tiến hành tái cơ cấu và đang thành lập ban chỉ đạo để thực hiện, công ty tiếp tục cổ phần hóa theo lộ trình của Chính phủ.
Mục tiêu của MobiFone sẽ tiếp tục phát triển các MVNO (mạng di động ảo), phát triển, tái cấu trúc lại kênh bán hàng và mở thêm kênh của mình để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
“Ngay khi Bộ TT&TT thúc đẩy 5G, MobiFone đã thay đổi chiến lược và tập trung vào công nghệ này. MobiFone quyết tâm thúc đẩy 5G sau khi có tần số. Trong khi chờ đấu giá tần số, MobiFone đã xây dựng dự án đầu tư, xây dựng các tuyến truyền dẫn cho 5G. Chúng tôi quyết tâm đầu tư mạnh vào 5G”, ông Tô Mạnh Cường nói.
Cũng tại buổi làm việc, ông Tô Mạnh Cường kiến nghị, được đối soát nhiều trường thông tin hơn với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Hiện còn có hiện tượng gian lận cước quốc tế về Việt Nam ảnh hưởng đến các nhà mạng, nên đề nghị Bộ TT&TT xứ lý vấn đề này.
MobiFone còn kiến nghị có cơ chế đăng ký thông tin của các SIM phục vụ cho những người du lịch nước ngoài được thuận tiện hơn và cho các thuê bao di động được đăng ký thông tin cá nhân online. Tổng giám đốc MobiFone đề xuất cần có quy định pháp lý đầy đủ cho MVNO (mạng di động ảo) để mô hình này phát triển.
Về phát triển hạ tầng ở các địa phương, phía MobiFone kiến nghị Bộ TT&TT tháo gỡ khó khăn, khi nhà mạng phải phát triển trạm thu phát sóng triển khai công nghệ 5G. Bộ TT&TT hỗ trợ MobiFone có ý kiến với các địa phương về thuê đất cho các IDC trong thời gian tới; Xem xét thúc đẩy nhà mạng dùng chung cơ sở hạ tầng cho 5G, cho các nhà mạng sử dụng chung băng tần 5G để đảm bảo nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT có ý kiến với các bộ ngành liên quan về cơ chế lương đặc thù đối với các doanh nghiệp đang chuyển đổi công nghệ, bởi hiện nay lương cho cho cán bộ nhân viên của MobiFone đang bị thấp hơn các tập đoàn khác kinh doanh cùng lĩnh vực.
Tháo gỡ khó khăn cho MobiFone
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT trả lời các kiến nghị của MobiFone tường minh và có thời hạn xử lý các kiến nghị này.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, những thay đổi của MobiFone năm qua đã có kết quả; Về kiến nghị về cơ chế lương, Bộ TT&TT sẽ có ý kiến với Bộ Lao động Thương binh xã hội về cơ chế lương đặc thù của MobiFone.
Gợi ý cho sự phát triển, . Bên cạnh đó, MobiFone quan tâm xây dựng bộ phận liên quan đến chính sách công, để từ đó có cơ sở pháp lý tốt hơn cho hoạt động của mình.
“Tôi kỳ vọng mỗi khách hàng của MobiFone có thể cài đặt ứng dụng Mobiedu và mỗi thuê bao đều có chữ ký số cá nhân trên My MobiFone. MobiFone cần giải bài toán lớn là nâng cao chỉ số APRU trong bối cảnh chỉ số này của Việt Nam tương đối thấp. MobiFone cần phát triển mạnh về IoT để trở thành nhà mạng hàng đầu Việt Nam về các loại thiết bị thông minh. MobiFone cũng cần chuẩn bị nhân sự phát triển lĩnh vực AI vì đây sẽ là cơ hội thay đổi thị trường”, Thứ thưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, VNNIC đánh giá tốc độ Internet của các nhà mạng và đề nghị MobiFone phối hợp để triển khai cho khách hàng sử dụng công cụ iSpeed để đo tốc độ các nhà mạng.
Đại diện Cục An toàn thông tin cho rằng, khi MobiFone tấn công vào không gian mới thì câu chuyện an ninh mạng là vấn đề cần quan tâm vì nó có thể ảnh hưởng đến dữ liệu hàng chục triệu khách hàng. MobiFone phải có hệ thống dự phòng để đảm bảo an toàn dữ liệu trong mọi tình huống.
Trước kiến nghị của MobiFone về tần số, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, vừa qua Bộ TT&TT đã thực hiện 2 cuộc đấu giá thành công băng tần 5G. Sắp tới, Bộ sẽ tiến hành đấu giá băng tần 5G trước 10/7/2024; Sau đó, sẽ đem băng tần 700 MHz đấu giá vào tháng 10/2024 để phủ sóng cho vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ cấp lại băng tần 900 MHz thêm 2 năm và sẽ tiến hành đấu giá tần số này sau tháng 9/2026.
Về góc độ xử lý SIM rác, cuộc gọi rác, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, hiện nay có tình trạng cuộc gọi rác chuyển sang số cố định. Nếu doanh nghiệp thấy cuộc gọi rác xuất phát từ số cố định nào sẽ chủ động xử lý với đại lý cung cấp dịch vụ cố định hoặc chuyển lên Thanh tra Bộ để xử lý. Hiện tình trạng dùng SIM rác lừa đảo còn nhiều trên không gian mạng. Các doanh nghiệp phải xác định nguồn gốc SIM rác từ đại lý nào để xử lý triệt để.
Bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số cho biết, MobiFone đề xuất điều chỉnh đánh giá công nhận nền tảng số quốc gia và Cục sẽ xem xét đề xuất này.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, Cục đã nhận được nhiều phản ánh của các Sở TT&TT về việc các thuê bao mạo danh sử dụng SIM rác. Bộ trưởng đã có tối hậu thư sẽ đình chỉ phát triển thuê bao của nhà mạng nếu phát hiện SIM rác và đề nghị MobiFone thực hiện nghiêm túc về vấn đề này.
Về vấn đề sắt sóng 2G, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn các doanh nghiệp. Đến tháng 9/2024, các doanh nghiệp phải chuyển hết thuê bao 2G only lên 3G và 4G.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng cho rằng, quản lý thông tin thuê bao cần đối soát cơ sở dữ liệu dân cư và có thể mở rộng trường thông tin đối soát. Vì vậy, MobiFone cần có văn bản đề xuất lên Bộ TT&TT và Bộ Công an về vấn đề này. MobiFone là nhà mạng đầu tiên đề xuất cơ chế đăng ký thông tin cho thuê bao du lịch nên cần có báo cáo cụ thể. Theo Luật Viễn thông mới sắp có hiệu lực, các nhà mạng sẽ được phép đăng ký thông tin cá nhân online.
Trước kiến nghị về mô hình MVNO, ông Phúc cho biết, trong nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có quy định cấp phép mạng di động ảo. Đối với quy định bán buôn bán lẻ, đã có quy định trong thông tư cho nhà mạng được quyền chủ động lựa chọn các hình thức khi hợp tác với các MVNO.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/mobifone-can-quan-tam-boi-duong-lop-nhan-tai-cho-tuong-lai-2291385.html