Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.
Bên cạnh đó, công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Tăng lợi thế hút khách “sộp”
“Đây là một trong những chính sách mà các doanh nghiệp du lịch đã đề xuất trong rất nhiều năm, từ trước Covid-19, đặc biệt khi Việt Nam xác định thị trường khách trọng tâm sắp tới của Việt Nam là những thị trường chi tiêu cao như Mỹ, Úc, các nước Tây Âu. Nới rộng thời gian lưu trú, cho nhập cảnh nhiều lần giải quyết rất nhiều khó khăn, vướng mắc của các công ty lữ hành khi muốn thu hút khách quốc tế về Việt Nam” – ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour nhận định.
Ông Dũng phân tích: Khách Mỹ, Úc, các nước Tây Âu có đặc điểm đi du lịch rất dài ngày, có kế hoạch sớm và thích đi liên tuyến theo hướng Việt Nam – Lào – Campuchia hoặc Lào – Campuchia – Việt Nam. Khách Tây Âu đa số có chuyến đi kéo dài 14 ngày. Một số thị trường như Hà Lan, Đức thường đi du lịch tới hơn 20 ngày. Khi đi dài ngày và liên tuyến thì họ cần thời gian lưu trú dài ngày. Trước đây, Việt Nam miễn visa đơn phương với mục tiêu kích thích thị trường Tây Âu nhưng lại giới hạn ngày lưu trú không phù hợp với đặc tính thị trường nên đó là điểm bất lợi rất lớn. Chính sách miễn thị thực chưa phát huy được hết tác dụng.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế là có đường bay thuận tiện, mạng bay rộng, nhiều hãng bay nước ngoài cùng tần suất bay vào Việt Nam cao hơn Lào, Campuchia. Vì thế khách hàng sẽ chọn bay vào Việt Nam, đa số sẽ bay khứ hồi luôn từ Việt Nam để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên trước đây, nhiều trường hợp khách tham quan Việt Nam, sau đó đi các nước khác rồi quay về phải xin lại visa. Đây là điều rất bất tiện cho các thị trường mục tiêu của các công ty lữ hành. Vì thế, quy định mới cho khách nhập cảnh nhiều lần sẽ gỡ được nút thắt này.
“Cùng với việc nâng thời hạn thị thực lên 90 ngày, khách sẽ không nhất thiết phải đi vào giai đoạn khi giá dịch vụ quá cao mà có thể linh hoạt điều chỉnh lịch trình trong thời gian 3 tháng. Nếu tháng 7 giá cao quá thì đi tháng 8 hoặc chờ tới tháng 9. Du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Nhìn chung, các quy định mới sẽ tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Như vậy cũng giúp ngành du lịch cân bằng lượng khách quanh năm, không bị dồn đẩy hết vào một – hai mùa cao điểm” – ông Trần Thế Dũng cho biết.
Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cũng đánh giá việc giới hạn hiệu lực visa, hạn chế ngày lưu trú giúp các công ty du lịch không thể đa dạng hóa, làm phong phú hệ thống sản phẩm. Từ trước đến nay, các công ty chỉ xây dựng bộ sản phẩm theo hình que, tức chỉ đi những điểm nổi bật 2 đầu Bắc – Nam như từ Hà Nội vào Đà Nẵng, Huế, Hội An, qua Quy Nhơn rồi về TP.HCM, đi miền Tây. Những tour xuyên Việt như vậy chỉ gói gọn 10 – 15 ngày, đơn điệu, khiến du khách đi 1 lần không muốn quay lại vì nghĩ đã khám phá đủ Việt Nam rồi. Cũng vì theo hình que, như ống máng trượt nên thẩm thấu từ du lịch vào nền kinh tế cũng không đáng là bao, không tạo ra tính lan tỏa mạnh.
“Kéo dài thời gian lưu trú là yếu tố tiên quyết để các công ty du lịch chuyển đổi mô hình sản phẩm sang hình xương cá hoặc hình sừng hươu, nghĩa là mở sang đường ngang, kéo khách tới cả những vùng đang có tiềm năng phát triển du lịch. Khách càng ở lâu, càng đi nhiều thì càng chi tiêu nhiều, du lịch và cả nền kinh tế càng hưởng lợi”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Chờ hướng dẫn để đồng loạt quảng bá
Sẵn sàng xây dựng các bộ sản phẩm mới để đón khách, song, các công ty du lịch vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Lãnh đạo Lữ hành Vietluxtour cho biết công ty vẫn chưa rõ các nước nào sẽ được áp dụng nâng thời hạn visa lên 90 ngày; nước nào được cấp tạm trú 45 ngày; chưa rõ chỉ khách xin visa điện tử mới được thời hạn visa 90 ngày hay khách xin visa đi tour qua lãnh sự quán cũng được áp dụng chính sách này; danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương có tiếp tục được nới ra không, nếu có thì mở thêm những thị trường nào..
Ông Trần Thế Dũng nói: “Phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì chúng tôi mới quảng bá, chào bán sản phẩm cho khách hàng được. Trước mắt, chúng ta xác định thị trường khách đi hơn 14 ngày hoặc hơn 30 ngày đa số là khách châu Âu, Úc, Mỹ. Những thị trường khách trên thường lên kế hoạch đi từ rất sớm nên nếu có thông tin về chính sách từ tháng 6 này, công ty du lịch mới bắt đầu xây dựng chương trình tour mới dài ngày hơn, liên hệ với các hãng hàng không, book dịch vụ… mất khoảng 3 – 4 tháng. Nếu thuận lợi, sớm nhất cũng phải tới tháng 10 – tháng 11 các chính sách mới bắt đầu thật sự ‘ngấm”.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ lại đang rất kỳ vọng vào “cú chốt hạ” danh sách các nước được miễn visa để chính sách visa của Việt Nam thật sự được cởi mở thông thoáng.
Theo ông, đây là đòi hỏi tất yếu trong vấn đề cạnh tranh điểm đến. Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với danh sách 26 nước được miễn thị thực, trong khi xung quanh Malaysia và Singapore đã miễn thị thực cho 162 quốc gia, Philippines miễn 157 quốc gia, Thái Lan miễn cho công dân 64 quốc gia… Gỡ nút thắt visa sẽ là cú hích cho du lịch Việt Nam bứt tốc từ mùa du lịch thu đông cuối năm nay.