Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc khai thác cát biển giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Đây là nguồn vật liệu dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung.
Cát biển dồi dào, sẽ công bố cho phép sử dụng rộng rãi
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thông tin về một số dự án giao thông cũng như việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp công trình giao thông.
Liên quan đến vật liệu san lấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Theo trữ lượng và nhu cầu thực tiễn, chúng ta không thiếu cát để đẩy mạnh kết cấu hạ tầng ĐBSCL. Tuy nhiên, khi cùng lúc phải thực hiện nhiều dự án, nhu cầu cát tăng lên đột biến, sẽ dẫn đến thiếu cục bộ”.
Do đó, việc các địa phương làm thủ tục theo đúng quy trình thủ tục rất mất thời gian, buộc Quốc hội phải ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy, cắt giảm thủ tục.
Vừa qua, với sự quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, đến nay tháo gỡ căn bản trên 72,3 triệu m3 cát sông và đã cấp phép khai thác khoảng 40 triệu m3, còn 32,3 triệu m3 đang làm thủ tục.
Song song với đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu cát biển để phục vụ làm vật liệu san lấp. Sau khi phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, Bộ GTVT nhận thấy cát biển có chất lượng tốt không gây vấn đề về ngập mặn, độ kết dính.
Đến nay, Sóc Trăng cấp phép cho khoảng 5,5 triệu m3 cát biển phục vụ tuyến cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau.
Theo ông, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển. Chỉ riêng 1 vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.
Đây là nguồn vật liệu dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung. Dự kiến cuối năm nay sẽ công bố cho phép sử dụng rộng rãi cát biển cho toàn bộ các tuyến cao tốc. Song, cần khai thác ở tốc độ vừa phải để bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 1 tiếng sau đầu tư đường sắt
Liên quan đến lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (từ Hà Nội đến TP.HCM).
Cùng đó, hiện có ba dự án đường sắt lớn đang triển khai gồm tuyến 3 đoạn tuyến: Lạng Sơn – Hà Nội; Hà Nội – TP.HCM; TP.HCM – Cần Thơ.
Với tuyến Lạng Sơn – Hà Nội hiện đang khai thác đương sắt khổ lồng (gồm khổ 1.000mm và khổ 1.435mm). Sắp tới, Chính phủ sẽ tiếp tục trình Quốc hội nâng cấp đoạn tuyến này.
Trong đó, tuyến Lạng Sơn – Hà Nội đang được lập quy hoạch, dự kiến đề xuất khai thác khổ tiêu chuẩn vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khoảng 200km/h.
Với tuyến TP.HCM – Cần Thơ, Bộ GTVT đang chuẩn bị hoàn thành báo cáo tiền khả thi để trình Chính phủ và Quốc hội.
Tuyến sẽ khai thác đường sắt khổ tiêu chuẩn với tốc độ thiết kế 200km/h vận tải hành khách và hàng hóa khoảng 170km/h, chiều dài 174km, tổng mức đầu tư dự tính khoảng 9,98 tỷ USD (tương đương 220.000 tỷ đồng).
Dự án này sẽ chia 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là đường đơn, tuy nhiên giải phóng mặt bằng 1 lần, kinh phí khoảng 155.000 tỷ đồng; khai thác vận tải cả hành khách và hàng hóa do nhu cầu hàng rất lớn. Khi đưa vào khai thác, từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 1 tiếng.
Nâng cao ý thức chấp hành, tai nạn mới giảm sâu
Về vấn đề nâng cấp tuyến cao tốc hai làn, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, vừa qua Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Theo Bộ trưởng, trước đây Quốc hội, Chính phủ quyết định triển khai hai làn là phù hợp, vì thực tế nhiều tuyến khi đó lưu lượng xe rất thấp. Sau thời gian phát triển, nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.
“Bộ GTVT đã và đang phối hợp với các bộ liên quan triển khai nâng cấp tất cả các tuyến 2 làn lên 4 làn và một số tuyến 4 làn hạn chế lên hoàn chỉnh đầy đủ, thậm chí lớn hơn”, Bộ trưởng thông tin.
Dẫn thực tế khi đi công tác tại châu Âu, Bộ trưởng Thắng chia sẻ: “Nhiều tuyến đường cao tốc của họ vẫn 4 làn nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Đáng nói, ý thức người dân rất tốt, đến đoạn đó chấp nhận đi chậm lại từ tốn…
Điều đó cho thấy không nhất thiết phải đường to phải rộng. Thống kê nguyên nhân tai nạn, hơn 90% nguyên nhân đến từ ý thức người tham giao thông. Đường càng to, tốc độ càng cao mà ý thức không cao thì tai nạn càng thảm khốc!
Do vậy, cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phải có rất nhiều giải pháp, trong đó có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị mới thay đổi được thói quen, văn hóa giao thông. Chỉ có nâng được văn hóa giao thông, tai nạn giao thông mới giảm sâu”.
Nghiên cứu kỹ lưỡng làm cao tốc theo dạng cầu cạn
Về đề xuất xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc theo dạng cầu cạn, nhất là tại những khu vực có nền đất yếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, đây là vấn đề đã được Bộ nghiên cứu từ lâu.
“Khó khăn lớn nhất là vấn đề giá thành, ước tính gấp 3,1 lần so với làm đường thông thường. Nếu dùng tất cả các biện pháp tiết kiệm thì có thể kéo xuống 2,5 – 2,7 lần.
Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu để làm sao kéo giảm chi phí tối đa chỉ , cao hơn 1,7 lần so với đường thông thường”, Bộ trưởng GTVT chia sẻ.
Lưu ý về việc cầu cạn có thể gây ảnh hưởng tới không gian phát triển, Bộ trưởng cho biết trước đây có nhiều quốc gia chuộng xây dựng cầu vượt trên cao nhưng nay bắt đầu nhận thấy vấn đề với không gian phát triển.
“Trước khi làm cần phải suy tính thật kỹ vì khi làm rồi không có cơ hội để làm lại”, Bộ trưởng Thắng chia sẻ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-gtvt-sau-nang-cap-duong-sat-tu-tphcm-di-can-tho-chi-con-1-tieng-192241026140454379.htm