Theo dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bộ Y tế đang xây dựng, quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế được mở rộng khá nhiều.
Thêm quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế
Dự án Luật bảo hiểm y tế 2024 cho phép chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nếu vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, hoặc cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh đã được điều trị ổn định về cấp chuyên môn kỹ thuật thấp hơn, hoặc ngang cấp hoặc trường hợp cần điều trị dài ngày, chuyển người bệnh về cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu quản lý, theo dõi.
Theo dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bộ Y tế đang xây dựng, quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế được mở rộng khá nhiều. |
Tức là người bệnh đã được chẩn đoán xác định một số bệnh mạn tính, kê đơn ở tuyến trên thì có thể về tuyến dưới điều trị và hưởng thuốc, vật tư y tế như ở tuyến trên, để người dân điều trị ở đâu cũng được hưởng thuốc tốt nhất.
Hiện, bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân từ huyện lên tỉnh, nhưng dự án Luật bảo hiểm y tế lần này đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cả việc vận chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh, trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn và cần vận chuyển bằng xe vận chuyển người bệnh chuyên dùng.
Dự án Luật bảo hiểm y tế cũng cho phép điều chuyển thuốc và thiết bị y tế giữa các cơ sở y tế bảo hiểm y tế nếu không có sẵn và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác – điều mà Luật hiện hành không chi trả.
Một nội dung quan trọng của dự án Luật đang được xây dựng là chi trả bảo hiểm y tế cho việc chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung; điều trị một số bệnh nặng, hiểm nghèo có chỉ định sử dụng dinh dưỡng điều trị đặc thù.
Điều này giúp giảm chi dài hạn cho Quỹ bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ mắc, tăng nặng, tử vong. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc, cần triển khai thí điểm trước khi thực hiện chính thức.
Ngoài ra, Dự án Luật bảo hiểm y tế 2024 đề xuất thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân khi bệnh viện không đủ cung cấp thuốc, vật tư y tế. Đây là giải pháp khắc phục khó khăn trong đấu thầu đang là vấn đề nóng của xã hội.
Đặc biệt, theo đề xuất mới, người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở các phòng khám đa khoa, trung tâm y tế huyện vẫn được hưởng 100% bảo hiểm y tế, nhằm thu hút người bệnh về tuyến dưới để giảm tải tuyến trên.
Quỹ kết dư, sao vẫn lo âm?
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế thông tin thêm về điểm mới của dự Luật bảo hiểm y tế sửa đổi là phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả với đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế tối đa 5% hiện nay xuống tối đa 4%, phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Như vậy, tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo bà Trang, cùng với nguyên tắc bảo toàn quỹ, thì vẫn cần đưa chính sách an sinh xã vào và nhiều nhóm tham gia bảo hiểm y tế là do ngân sách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế.
Thực tế, hơn 40% nguồn thu quỹ bảo hiểm y tế là từ ngân sách nhà nước, mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, người cận nghèo, gia đình chính sách…
Bà Trang cho hay, mức thu của quỹ bảo hiểm y tế đạt 126.000 tỷ đồng/năm (trong 2023) và nguồn thu này tăng thêm từ tháng 7 năm nay, do tăng mức lương cơ bản.
Góp ý về mở rộng phạm vi hưởng khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng ban Chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, Bảo hiểm xã hội ủng hộ mở rộng quyền lợi với người bệnh, nhưng Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể, mỗi chính sách mở rộng thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả thêm bao nhiêu, có đảm bảo cân bằng thu – chi quỹ bảo hiểm y tế
Về thu, chi từ quỹ bảo hiểm y tế qua các năm, ông Thao cho biết, các năm 2005 – 2009, thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phí dịch vụ, không có trần thanh toán, bỏ cùng chi trả, quỹ BHYT đã bội chi trên 2.000 tỷ đồng.
Năm 2009 – 2015: Điều chỉnh tăng mức đóng từ 3% lên 4,5% lương cơ sở; có quy định trần thanh toán và thực hiện cùng chi trả, quỹ bảo hiểm y tế đã cân đối được thu, chi.
Năm 2016 – 2023: Giá dịch vụ y tế điều chỉnh, có thêm kết cấu phần lương nhân viên y tế, mở rộng danh mục thuốc, và gia tăng số lượt khám chữa bệnh sau đại dịch Covid-19, quỹ đã từng mất cân đối thu, chi. Chỉ 3 năm 2020 – 2022 là có kết dư lớn là do có dịch Covid-19.
Riêng 3 năm có dịch Covid-19, quỹ bảo hiểm y tế kết dư trên 33.000 tỷ đồng do số lượt khám giảm mạnh và thiếu thuốc, vật tư y tế nên chi trả giảm.
Hết 2023, tổng quỹ bảo hiểm y tế kết dư từ trước đến nay là 40.000 tỷ đồng, trong đó 33.000 tỷ đồng kết dư trong dịch Covid-19. Như vậy, kết dư quỹ bảo hiểm y tế chủ yếu là do giảm chi trong 3 năm có dịch Covid-19, còn lại các năm khác hầu như đều âm.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, nếu kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế thì sẽ tăng chi khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
Nếu kết cấu các chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định vào giá dịch vụ y tế thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ tăng chi từ khoảng 67.000 tỷ đồng. Do đó, Bộ Y tế cân nhắc về cân đối thu – chi khi mở rộng quyền lợi người bệnh bảo hiểm y tế.
Nguồn: https://baodautu.vn/mo-rong-quyen-loi-cho-nguoi-benh-bao-hiem-y-te-d223797.html