(LĐXH) – Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, khu vực châu Âu luôn được đánh giá là thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” diễn ra ngày 18/12 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, cùng với các thị trường truyền thống, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục mở rộng, phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại châu Âu, đồng thời mở cửa một số thị trường mới.
Mỗi năm, người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 3,5 – 4 tỷ USD
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, từ năm 1980, Bộ LĐ-TB&XH đã bắt đầu các hoạt động đưa người lao động (NLĐ) ra nước ngoài làm việc, chủ yếu sang các nước Đông Âu.
Từ 1991, chúng ta đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc theo cơ chế thị trường, bắt đầu hình thành các doanh nghiệp được cấp phép để đưa NLĐ sang những nước ký kết hợp tác lao động.
Cũng bắt đầu từ đây, việc đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc trở nên đa dạng, phát triển, giải quyết việc làm cho hàng triệu lượt NLĐ, góp phần phát triển và xây dựng đất nước.
“Đặc biệt, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã góp phần thúc đẩy, phát triển và nâng cao hoạt động xuất khẩu lao động”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Ông cho biết thêm, theo thống kê, số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng trưởng đáng kể trở lại sau đại dịch Covid-19, năm 2022 có hơn 140.000 người, năm 2023 có hơn 150.000 người, dự kiến cả năm 2024 đưa được hơn 150.000 người, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc (khoảng 95%) – những thị trường có điều kiện làm việc tốt, thu nhập khá cao và ổn định.
Khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề. Ước tính hàng năm, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 3,5 – 4 tỷ USD.
Cùng với các thị trường truyền thống, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục mở rộng, phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại châu Âu, đồng thời mở cửa một số thị trường mới. Hiện số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, khu vực châu Âu (EU) luôn được đánh giá là thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Bởi, các nước EU có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số.
Trong khi đó, Việt Nam có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp. Qua đó, Việt Nam nắm bắt cơ hội với từng thị trường để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, định vị lĩnh vực hợp tác lao động trong tổng thể quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và từng đối tác châu Âu.
Nâng cao chất lượng đào tạo lao động
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng vì nguồn lao động bắt đầu khan hiếm. Các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có những thay đổi trong chính sách thu hút NLĐ nước ngoài.
“Tôi vừa đi Nhật Bản về và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ là đang khó khăn về nguồn lao động đến từ Việt Nam. Số lượng tăng nhưng so với nhu cầu hiện nay của Nhật Bản còn thiếu rất nhiều.
Việc này giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước tìm giải pháp làm sao vừa nâng chất lượng, vừa nâng số lượng để đáp ứng nhu cầu của các thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA) cho biết, với hơn 27 năm kinh nghiệm trong việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, từ khi thành lập đến nay, SONA đã đưa được hơn 51.000 lao động đi làm việc ở trên 20 nước và vùng lãnh thổ nước ngoài.
“Trong đào tạo, SONA ưu tiên số một là ngoại ngữ. Khi ra nước ngoài làm việc, NLĐ ngoài tay nghề, kỹ năng thì ngoại ngữ phải dùng được, giao tiếp được với đồng nghiệp, quản lý và chủ. Do đó, chúng tôi hợp tác với các trường để đào tạo ngoại ngữ tốt nhất cho NLĐ.
Thời gian tới, SONA tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường, thực hiện nghiêm túc công tác tuyển chọn, đào tạo để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước khi phái cử”, ông Nam thông tin.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2 cho biết, cơ hội để NLĐ làm việc tại thị trường Đức, châu Âu khá lớn. Trường đang nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp của Đức để đào tạo theo yêu cầu.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ tham gia chương trình đào tạo ngay từ đầu, hỗ trợ chi phí đào tạo tiếng, kỹ năng… cho NLĐ. NLĐ tham gia chương trình có thể được đào tạo 2 năm tại trường (doanh nghiệp trả học phí), sau đó sang Đức tiếp tục học tập, làm việc.
“Thời gian qua, một số lao động được đào tạo tại trường đã đi làm việc tại Đức. Phản hồi từ doanh nghiệp ở Đức đối với NLĐ cũng rất tốt. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo của Việt Nam đối với thị trường nước ngoài.
Để phát huy hiệu quả của công tác đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc, cần nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ vốn vay cho NLĐ học tập vì đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao thì chi phí cao, NLĐ sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Cường đề xuất.
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số 152
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/mo-rong-phat-trien-cac-thi-truong-lao-dong-co-thu-nhap-cao-20241219101648366.htm