Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương, doanh nghiệp. Dù vậy, trong quá trình tiếp cận, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vẫn gặp không ít rào cản từ nhân lực cho đến bài toán chi phí đầu tư, quản lý vận hành, marketing…
Số lượng hàng hóa lên sàn khiêm tốn
Hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được chứng nhận từ 3 sao trở lên hiện nay thì có trên 50% số sản phẩm nằm ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Bởi ở đó, những điều kiện đặc thù về sinh thái, tự nhiên đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm đặc sản. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm này vẫn còn khó khăn.
Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), có rất nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của các địa phương trên cả nước được mùa. Nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong ngắn hạn. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, sản lượng hàng hóa thấp, chất lượng mẫu mã không đảm bảo… đang là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân.
Chính bởi vậy, kênh thương mại điện tử (TMĐT) được coi là một kênh quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của các địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) nhỏ, hộ kinh doanh…
Lạng Sơn là một trong những địa phương đặc biệt quan tâm đến việc phát triển thị trường sản phẩm chủ lực của tỉnh trên nền tảng TMĐT. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác, liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, các chương trình phát triển TMĐT, hỗ trợ quảng bá, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế. Dù vậy, theo ông Nghĩa, việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT còn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.
“Sở Công Thương Lạng Sơn cùng các đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh phát triển các thị trường thông qua các kênh TMĐT. Bên cạnh đó, Sở còn xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch và định hướng xây dựng các điểm bán sản phẩm tại các vùng du lịch trọng điểm nhằm phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đêm, với phương châm hỗ trợ các DN thâm nhập sâu vào thị trường nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, từ đó phát triển kinh tế xã hội địa phương” – ông Nghĩa nói.
Để đưa sản phẩm địa phương lên các sàn TMĐT, ngoài khó khăn vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, giao nhận sản phẩm, các quy trình chăm sóc sau bán hàng cũng là băn khoăn lớn của không ít DN khi hướng tới kênh phân phối TMĐT. Trên thực tế, ngoài một số thành phố lớn, số lượng DN ở các địa phương có thể tự mình đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT không nhiều. Việc phát triển trên kênh TMĐT như website, sàn giao dịch TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, DN còn khiêm tốn và không thực sự mang lại giá trị như mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho biết, thời gian qua DN này đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hàng loạt các khóa đào tạo TMĐT trên toàn Việt Nam. Trong đó tập trung phổ biến kỹ năng bán hàng, kỹ năng livestream trên sàn TMĐT.
“Sàn TMĐT là nơi có thể hỗ trợ DN kinh doanh, xúc tiến xuất khẩu do vậy ban đầu họ phải được hưởng các chính sách ưu đãi, nhất là những DN có hạn chế về tài chính hoặc quy mô, từ đó giúp DN tăng năng lực cạnh tranh. Alibaba Việt Nam cũng hỗ trợ ưu đãi cho DN có những mặt hàng nhiều tiềm năng xuất khẩu trên sàn TMĐT, như sản phẩm nông sản, đồ nội thất thủ công mỹ nghệ…” – bà Uyên nhận định.
Đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh trực tuyến
Đây là vấn đề được cơ quan quản lý, các địa phương cũng như cộng đồng DN chú trọng thời gian qua trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển. Theo Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Bộ Công Thương), thời gian qua, Trung tâm đã và đang kết nối các sở, ban, ngành địa phương với các nền tảng TMĐT và các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT để triển khai mô hình Flagship Store – Gian hàng địa phương trên các sàn TMĐT lớn. Mô hình này sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ, giúp DN ở các địa phương tối ưu quy trình vận hành, quản lý kênh bán hàng để phân phối các sản phẩm của các DN tại địa phương đạt hiệu quả tốt nhất.
Ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số cho biết, mô hình Flagship Store hướng đến tất cả những DN có nhu cầu phát triển bán hàng trên các sàn TMĐT. Ngoài ra, mô hình cũng mong muốn hỗ trợ cho các DN với sản phẩm tiềm năng nhưng khó khăn về nhân sự hoặc chi phí để mở rộng kênh bán hàng qua sàn TMĐT.
“Khi tham gia mô hình này, mỗi tỉnh thành, địa phương sẽ được thiết lập 1 gian hàng trên các sàn TMĐT lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả DN sản xuất và các sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn TMĐT. DN sẽ được tư vấn những thông tin hữu ích và thực tế về thị trường, chiến lược kinh doanh, các chiến dịch bán hàng… trong suốt thời gian tham gia đồng hành” – ông Hoàng thông tin.
Được biết, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đã và đang làm việc với một số DN về công nghệ và dịch vụ, để khi giải pháp này đi vào vận hành sẽ trực tiếp hỗ trợ các DN trong việc thiết lập gian hàng, marketing, PR, livestream bán hàng, quản lý kho vận, chăm sóc phản hồi khách hàng… nhằm tối ưu cả về chi phí và hiệu quả bán hàng.
Với những nỗ lực và sự chung tay phối hợp từ cơ quan nhà nước, DN và cả các nền tảng TMĐT, mô hình Flagship Store – Gian hàng địa phương trên các sàn TMĐT hứa hẹn mang lại nhiều giá trị thiết thực. Về phía DN có cơ hội mở rộng thị trường phân phối TMĐT với nhiều tiềm năng, về phía người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm địa phương dễ dàng. Giải pháp cũng tin tưởng góp phần vào sự phát triển của TMĐT nói riêng và phát triển kinh tế địa phương nói chung.
nguồn: https://daidoanket.vn/mo-rong-kenh-tieu-thu-cho-san-pham-ocop-10274400.html