Quảng Bình: ”Gỡ” khó từ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu Tăng cường xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đạt kết quả tích cực |
Xúc tiến đưa sản phẩm Việt vươn xa
Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Đặc biệt vào tháng 11/2023, Việt Nam -Nhật Bản đã nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới”.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD.
Số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy, kim ngạch giao thương giữa Việt Nam – Nhật Bản đạt 21,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản 0,9 tỷ USD.
Về đầu tư, 6 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 979 triệu USD.
Các đại biểu tại lễ ra mắt Trung tâm xúc tiến thương mại Việt-Nhật; Trung tâm dịch vụ-tư vấn tri thức và doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và Câu lạc bộ Doanh nhân Việt-Nhật. Ảnh: Trọng Nhân |
Với mong muốn góp phần phát huy nguồn lực của người Việt Nam tại Nhật Bản cho sự phát triển kinh tế đất nước, mới đây, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã chính thức ra mắt Trung tâm xúc tiến thương mại Việt – Nhật; Trung tâm Dịch vụ – Tư vấn Trí thức và Doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và Câu lạc bộ Doanh nhân Việt – Nhật.
Các trung tâm này có có vai trò kết nối và tiếp nhận yêu cầu từ phía Nhật Bản và tổ chức giao thương giữa doanh nghiệp và các địa phương của hai nước.
Chia sẻ tại buổi ra mắt Trung tâm xúc tiến thương mại Việt – Nhật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông cho biết, hiện tại đã có khoảng 600.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Nhật Bản. Trong đó, đã có hàng nghìn doanh nghiệp người Việt Nam tại Nhật Bản đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của Nhật Bản, cũng như là cầu nối về giao thương ở các quy mô và mức độ khác nhau. Qua đó, góp phần thúc đẩy thêm quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.
Đặc biệt, ông Đông nhấn mạnh: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là lực lượng tiêu dùng và quảng bá các thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam ở Nhật Bản và cùng chung tay thúc đẩy xúc tiến thương mại giữa 2 đất nước. Đồng thời, có vai trò mạnh mẽ, chủ động hơn trong việc đưa các sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, các sản phẩm của Việt Nam hiện nay đều có chất lượng, mẫu mã, bao bì đẹp. Nếu có được sự đồng hành, hỗ trợ và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thì chắc chắn các sản phẩm của Việt Nam sẽ ngày càng vươn ra thị trường nước ngoài nhiều hơn.
Ông Sakai Hironori, Chủ tịch Hiệp hội thân hữu Việt – Nhật cho biết, hiện rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài những lĩnh vực lớn như năng lượng và xây dựng thành phố, những doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển đầu tư vào thị trường này.
“Tới thời điểm hiện tại thì đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào thị trường Việt Nam và tôi mong muốn năm tới và năm tới nữa thì con số sẽ tăng lên khoảng 3.000 hoặc 4.000”, ông Sakai Hironori nói.
Theo đó, ông Sakai Hironori cho rằng: “Việc ra mắt Trung tâm xúc tiến thương mại Việt -Nhật là cơ hội kết nối xúc tiến đầu tư giữa hai nước. Các doanh nghiệp Nhật Bản rất muốn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Và ngược lại, các lao động Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để sang Nhật Bản làm việc”.
Doanh nghiệp Việt cần có tầm nhìn xa hơn
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà đánh giá cao việc cần thiết thành lập một tổ chức làm cầu nối ngoại giao kinh tế giữa hai nước. Tổng lãnh sự cũng cho biết: “Việc thành lập Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt – Nhật là cần thiết trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Các doanh nghiệp của Việt kiều tại Nhật, các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp của Nhật cần một cầu nối để thuận lợi hơn trong quá trình kết nối và chia sẻ cơ hội phát triển”.
Nhiều sản phẩm Việt Nam đã có mặt tại các thành phố lớn ở Nhật Bản. Ảnh: Thu Dịu |
Là người từng có nhiều năm sinh sống tại Nhật, chia sẻ về cơ hội và thách thức của hàng Việt tại thị trường này, Giám đốc Trung tâm Tư vấn – Dịch vụ Trí thức và Doanh nhân Hà Trọng Nhân cho biết, hàng hóa của Việt Nam rất được lòng người tiêu dùng Nhật Bản. Đặc biệt, ngoài hàng nông sản, các món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bánh mì… cũng chiếm được cảm tình của khách Nhật. Nhiều nhà hàng Việt Nam đã có mặt tại các thành phố lớn ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản rất cao, là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Trở ngại hiện nay là hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa hiểu rõ thị trường và văn hóa tiêu dùng của người Nhật. Ngoài chất lượng sản phẩm thì bao bì cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng, song nhiều doanh nghiệp chưa thấu hiểu. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn xa hơn khi làm việc với đối tác Nhật Bản, đặc biệt cần trung thực, thực thi đúng các cam kết trong hợp đồng” – ông Nhân nói.
Với vai trò Giám đốc Trung tâm Tư vấn – Dịch vụ Trí thức và Doanh nhân, ông Hà Trọng Nhân nhấn mạnh: “Trung tâm Tư vấn – Dịch vụ Trí thức và Doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là cánh tay nối dài, chung sức cùng các hội đoàn xây dựng cộng đồng Việt kiều đoàn kết, thành công và luôn hướng về quê hương Việt Nam”.
Tại lễ ra mắt, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt – Nhật đã ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nhật; Hội thân hữu Nhật – Việt… Theo đó, các bên cung cấp thông tin và nhu cầu hợp tác, tiếp cận nguồn vốn, tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản với nhu cầu mong muốn phát triển lớn mạnh, đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam. |
Nguồn: https://congthuong.vn/mo-rong-hop-tac-kinh-te-viet-nhat-tu-don-bay-xuc-tien-thuong-mai-330450.html