Theo AP, cuộc điều tra được thực hiện sau khi tổ chức phi lợi nhuận “Luật sư vì dân quyền” có trụ sở tại thành phố Boston thay mặt các cộng đồng người da màu tại vùng New England của Mỹ gửi đơn khiếu nại về chính sách tuyển sinh “kế thừa” của Đại học Harvard.
Đơn khiếu nại yêu cầu Bộ Giáo dục Mỹ tuyên bố chính sách tuyển sinh “kế thừa” là trái luật và buộc Đại học Harvard phải chấm dứt chính sách này chừng nào vẫn còn nhận tài trợ từ ngân sách liên bang.
Trong khi AP cho biết chính sách tuyển sinh “kế thừa” ưu tiên những thí sinh có mối quan hệ với các nhà tài trợ và cựu sinh viên của Đại học Harvard, theo tờ The New York Times, con của các nhân viên trong trường cũng thuộc diện ưu tiên.
Sinh viên trong khuôn viên Đại học Harvard (Mỹ). Ảnh: REUTERS |
Đơn khiếu nại nêu rõ các thí sinh là “con cháu người quen” có khả năng trúng tuyển vào Đại học Harvard cao hơn tới 7 lần so với các thí sinh khác, khoảng 70% trong số này là người da trắng, họ có thể chiếm tới gần 1/3 số sinh viên trong một khóa học.
Trong các sinh viên khóa học năm 2019 tại Đại học Harvard, khoảng 28% có bố mẹ hoặc họ hàng từng theo học tại ngôi trường này. Số liệu của tờ The New York Times cũng cho thấy, mặc dù “con cháu người quen” chỉ chiếm chưa tới 5% tổng số thí sinh mỗi năm của Đại học Harvard nhưng khoảng 30% trong số đó lại trúng tuyển.
“Chúng tôi vui mừng khi Bộ Giáo dục Mỹ đã nhanh chóng mở cuộc điều tra. Đại học Harvard nên tự nguyện bãi bỏ chính sách ưu tiên thiếu công bằng và không xứng đáng này”, thông báo của tổ chức “Luật sư vì dân quyền” nhấn mạnh.
AP dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Tổng thống Joe Biden đã nêu rõ rằng chính sách tuyển sinh “kế thừa” làm cản trở “khả năng chúng ta xây dựng các cộng đồng sinh viên đa dạng”. Trước đó, theo tờ The New York Times, ông chủ Nhà Trắng từng khẳng định chính sách này “mở rộng đặc quyền thay vì cơ hội”. Luật sư Sarah Hinger thuộc Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cũng cho rằng, chính sách tuyển sinh “kế thừa” nhìn chung “có lợi một cách bất cân xứng cho người da trắng và người giàu”.
Theo ông Derrick Johnson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP)-tổ chức dân quyền lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ, mọi thí sinh đủ điều kiện đều “xứng đáng có cơ hội được học tập tại đại học mà họ lựa chọn” và chính sách tuyển sinh “kế thừa” tồn tại “để làm suy yếu điều đó”. Ông Johnson đánh giá cao động thái của Bộ Giáo dục Mỹ nhằm bảo đảm hệ thống giáo dục đại học “hoạt động vì mọi người dân Mỹ chứ không chỉ một số ít người có đặc quyền”.
Phản hồi trước thông tin về cuộc điều tra của Bộ Giáo dục Mỹ, bà Nicole Rura, một phát ngôn viên của Đại học Harvard chỉ cho biết nhà trường đang rà soát nhằm bảo đảm việc tuyển sinh “tuân thủ đúng pháp luật”. Nhà trường sẽ tiếp tục “tăng cường khả năng thu hút và hỗ trợ cộng đồng trí thức đa dạng”. “Đại học Harvard chú trọng mở ra các cánh cửa cơ hội và gia tăng nỗ lực khuyến khích các thí sinh có hoàn cảnh khác nhau đăng ký ứng tuyển”, tờ The New York Times dẫn lời bà Rura.
Không riêng gì Đại học Harvard, chính sách tuyển sinh “kế thừa” đã được áp dụng tại không ít đại học của Mỹ trong nhiều năm qua. Tờ The New York Times cho biết các trường lập luận rằng, chính sách này giúp xây dựng “sự gắn kết quý giá”, khuyến khích “đóng góp tài chính-vốn có thể được sử dụng làm học bổng của nhà trường” và các thí sinh là “con cháu người quen” đều có “năng lực cao”.
Hai nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Jeff Merkley và Hạ nghị sĩ Jamaal Bowman thông báo có kế hoạch đề xuất một dự luật cấm các đại học tại Mỹ ưu ái “con cháu người quen” trong quá trình tuyển sinh. Theo bà Jane Sujen Bock thuộc “Liên minh vì một Havard đa dạng”-gồm nhiều sinh viên, nhân viên và cựu sinh viên của Đại học Harvard, chấm dứt chính sách tuyển sinh “kế thừa” là một trong nhiều bước đi mà “Harvard và các đại học khác có thể thực hiện nhằm tăng cường sự đa dạng và bình đẳng trong tuyển sinh”.
Tờ The New York Times dẫn kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew công bố vào năm ngoái cho thấy, 75% số người được hỏi tại Mỹ cho rằng “con cháu người quen” không nên được xem là một tiêu chí trong quá trình tuyển sinh đại học. Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều đại học tại xứ cờ hoa đã bắt đầu loại bỏ chính sách tuyển sinh “kế thừa”. Theo AP, một số trường có thể kể đến như Amherst tại bang Massachusetts, Carnegie Mellon tại bang Pennsylvania, Johns Hopkins tại bang Maryland và gần đây nhất là Wesleyan tại bang Connecticut.
Trong khi giới chức Bộ Giáo dục Mỹ từ chối bình luận, ông Art Coleman thuộc hãng tư vấn giáo dục EducationCounsel (Mỹ) chia sẻ với tờ The New York Times rằng, đa phần vụ việc tương tự thường khép lại với việc nhà trường có biện pháp giải quyết những mối quan ngại của Bộ Giáo dục Mỹ. Nếu không, vụ việc sẽ được chuyển sang Bộ Tư pháp Mỹ và kết quả cuối cùng là nhà trường có thể bị cắt mọi khoản tài trợ từ ngân sách liên bang.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/mo-rong-dac-quyen-hay-co-hoi-736724