Theo Bộ Công thương, Việt Nam hiện có 17 FTA, trong đó 15 hiệp định đã thực hiện và hai hiệp định đang hoàn tất quá trình đàm phán. Nhìn vào bản đồ FTA có thể thấy, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển duy nhất trên toàn cầu có số lượng FTA với nhiều “ông lớn” như vậy.
Cơ hội phát triển thương mại xanh
FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy thương mại song phương. Lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng trong hiệp định này đã tạo lợi thế rõ ràng cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của hai nước thâm nhập thị trường của nhau. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng 3,3% so với năm trước.
Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Vương quốc Anh có sự tăng trưởng rất cao như cà-phê tăng 61%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 56%; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 59%; giày dép các loại tăng 40%; hàng dệt may tăng 36%;… Không những vậy, với các cam kết liên quan đến phát triển bền vững, UKVFTA còn được kỳ vọng sẽ là khuôn khổ quan trọng cho các hoạt động hợp tác về thương mại xanh và công bằng – xu thế phát triển quan trọng trên toàn cầu hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.
Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An cho biết, tăng trưởng xanh đang là xu hướng phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Không ngoài vòng xoáy đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi để thực hiện những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu. Với các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng xanh đang là xu hướng phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.
Quá trình để đạt mục tiêu về trung hòa các-bon sẽ làm chuyển dịch lợi thế so sánh xuất khẩu từ các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động và năng lượng sang các lĩnh vực áp dụng kỹ thuật tiên tiến hơn, xanh hơn. Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ: Thông qua UKVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội mới trong thương mại xanh với Vương quốc Anh.
Đó là triển vọng xuất khẩu các sản phẩm gia dụng và thiết bị sử dụng tiết kiệm điện như tủ đá, máy giặt, bóng đèn; xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm làm từ vật liệu tự nhiên từ tre, nứa, sản phẩm cách nhiệt làm từ vật liệu tái chế;… đang có nhu cầu sử dụng lớn trong ngành xây dựng Vương quốc Anh. Ngoài ra, các thực phẩm hữu cơ được canh tác theo hướng không dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất cũng đang được người tiêu dùng Anh rất ưa chuộng trong khi doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được.
Ngược lại, doanh nghiệp Anh cũng có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong những lĩnh vực “xanh” như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, xử lý ô nhiễm môi trường, tài chính xanh,…
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả nhà đầu tư Vương quốc Anh đang ngày càng quan tâm hơn đối với vấn đề môi trường và khí hậu. Nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chúng tôi muốn khuyến khích doanh nghiệp Vương quốc Anh hợp tác với các đối tác Việt Nam để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật về điện gió, điện mặt trời, tiết kiệm năng lượng,… Đây sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột trong quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong tương lai.
Thiết lập các nền tảng hợp tác mới
Với những kết quả tích cực có được từ việc thực hiện các FTA, Việt Nam vẫn đang chủ động đàm phán nhiều hiệp định mới, chú trọng vào một số thị trường mà từ trước đến nay chưa có khả năng thâm nhập sâu và mạnh.
Ngay đầu tháng 4 vừa qua, Việt Nam và Israel đã chính thức ra Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA giữa hai bên (VIFTA) sau bảy năm với 12 phiên đàm phán. Israel là một trong những đối tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực, là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, với cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau và kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đang tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam và Israel sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nữa khi các ưu đãi và lợi thế từ VIFTA được tận dụng hiệu quả. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe chia sẻ: Từ cuối năm 2022 và nhất là trong quý I/2023, xuất khẩu thủy sản đã có xu hướng chững lại và giảm mạnh. Do đó, việc hoàn tất đàm phán VIFTA vừa qua rất có ý nghĩa với doanh nghiệp thủy sản. Hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu ngành thủy sản, Israel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng vì có sức mua, khả năng thanh toán cao.
Bên cạnh đó, Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất – UAE cũng vừa bắt đầu khởi động đàm phán sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước. Theo Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE Trương Xuân Trung, những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và UAE ngày càng có xu hướng tăng trưởng tốt.
Do đó, khi một FTA giữa hai bên được ký kết sẽ mở ra một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE. Nhất là ngành nông nghiệp của UAE hiện chỉ chiếm 0,9%, ngành công nghiệp chiếm 49,8% (chủ yếu là khai thác và chế biến dầu thô) trong cơ cấu kinh tế. Vì vậy, UAE hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ,… để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường rất khốc liệt khi các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp một số quốc gia mà họ đã ký FTA với UAE như Ấn Độ, Indonesia, Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ,… Để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm các chi phí trung gian nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm.
Ngoài ra, do UAE là quốc gia Hồi giáo, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tìm hiểu về văn hóa và nhu cầu tiêu dùng của người Hồi giáo, xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thời trang Hồi giáo,… khi xuất khẩu vào UAE. UAE được coi là trung tâm tài chính, thương mại của Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Ngoài ra, UAE có vị trí địa lý chiến lược, có hệ thống logistics hiện đại, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra thị trường toàn cầu.