Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển hơn 150 học sinh phổ thông để học trước chương trình đại học, gấp hơn 3 lần so với hiện nay.
Thông tin được nêu tại hội thảo chương trình Ươm tạo tài năng, bậc trung học phổ thông (VNU 12+) của Đại học Quốc gia Hà Nội, chiều 17/4. Mục tiêu của chương trình là thu hút học sinh giỏi, tạo nguồn cho lĩnh vực khoa học cơ bản.
Học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học sớm, rút ngắn thời gian lấy bằng đại học.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết bước đầu, chương trình sẽ tuyển khoảng 10% số học sinh các trường THPT trực thuộc (150-160 em), thông qua xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp phỏng vấn. Mỗi năm, các em được học khoảng 5-10 tín chỉ. Khi tích lũy đủ tối thiểu 3 học phần, học sinh được ưu tiên xét tuyển vào trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Để tham gia, các em cần đáp ứng một trong các điều kiện: là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đạt giải trong kỳ thi Olympic bậc THPT, có kết quả học tập trong năm học lớp 10 (đối với học sinh chuyên) hoặc kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ I lớp 11 (đối với học sinh không chuyên) đạt mức tốt.
Ngoài ra, học sinh cần đạt trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (trình độ A2).
Thực tế, cách đây 6 năm, Đại học Quốc gia Hà Nội từng triển khai chương trình học trước tín chỉ tương tự. Đến nay, gần 50 học sinh trường chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học tự nhiên đăng ký theo học, đều ở Hà Nội.
Đại học Quốc gia TP HCM cuối năm ngoái cũng cho biết sẽ thí điểm cho học sinh THPT giỏi vượt trội trong cả nước học trước một số tín chỉ bậc đại học. Học sinh học qua hệ thống bài giảng trực tuyến MOOC của các trường thành viên, sau đó dự thi trực tiếp để được công nhận tín chỉ.
Các nhà giáo cho rằng với cách này, gia đình và xã hội sẽ rút ngắn thời gian, công sức đầu tư cho những cá nhân xuất sắc. Học sinh cũng được định hướng nghề nghiệp sớm, tránh chọn nhầm ngành, nghề khi vào đại học.
Trên thế giới, nhiều đại học có mô hình tương tự. Chẳng hạn, tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13, 14 tuổi, đến 16-18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ.
Ở Mỹ, chương trình AP (Advanced Placement – chương trình xếp lớp nâng cao, hay còn gọi là dự bị đại học) rất phổ biến. Học sinh có thể chọn học trước một số môn đại cương ở đại học ngay từ phổ thông.
Doãn Hùng