Mở rộng các kỳ thi riêng, giảm xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT
Trao đổi về kế hoạch triển khai kỳ thi đại học năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 dự kiến có 6 đợt thi, tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước đó, năm 2023 đã có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi của Đại học Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển đại học.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố lịch 6 đợt thi đánh giá tư duy (TSA) trong năm 2024. Các đợt thi đánh giá tư duy sẽ được tổ chức tại 8 địa phương gồm Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, một số trường đại học đã công bố kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2024 theo hướng giảm xét tuyển từ điểm thi THPT. Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023), xét tuyển kết hợp tăng lên 80%, tuyển thẳng 2%.
Theo TS. Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nha Trang cho biết phương thức tuyển sinh năm 2024 của trường giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét học bạ THPT, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng.
Từ năm 2025, Trường Đại học Nha Trang sẽ bỏ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, thay vào đó là xét kết hợp học bạ và sử dụng điểm thi đánh giá năng lực.
Mở rộng ưu đãi học bổng, học phí: Cởi “nút thắt” cho những ngành khó
Một số trường đại học có chính sách tiên phong mở rộng ưu đãi học bổng, học phí trong phương án tuyển sinh đại học 2024. Với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), trường dự định đổi mới chính sách học phí, học bổng nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên. Theo đó, sinh viên theo học 22 ngành tiềm năng của trường được tặng học bổng 100% học phí học kỳ I. Ngoài ra, trường đại học này cũng xây dựng nhiều giải pháp nhằm giảm gánh nặng học phí cho sinh viên như chính sách đóng học phí thành 3 học kỳ, đóng học phí theo tháng lãi suất 0% áp dụng suốt toàn khóa học.
Ngoài ra, một số trường cũng dành nhiều suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản. Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Một số ngành được hỗ trợ gồm: Tài năng Toán học/Vật lý/Hóa học/Sinh học, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thí điểm hỗ trợ 9 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2024, sinh viên học khối ngành sức khoẻ các chuyên ngành như tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Các sinh viên học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân cũng được hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nêu trên. Nhà nước khuyến khích nhà trường, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học đang theo học thuộc những lĩnh vực này.
Theo Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các ngành miễn học phí cho sinh viên bao gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác – Lê nin, ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp Y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Ngoài các ngành học trên, sinh viên đang học hệ cử tuyển, người dân tộc thiểu số ít người có cha/mẹ hoặc ông/bà thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng được miễn học phí. Các dân tộc thiểu số ít người theo quy định gồm: Pu Péo, Cống, Mảng, Si La, Bố Y, Cờ Lao, La Ha, Ơ Đu, Ngái, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Lự, Pà Thẻn, La Hủ, Lô Lô.
Thảo Vân (t/h)