Trung Quốc20h một ngày trong tuần, khoảng hai chục người xa lạ đang nằm dài trên ghế sofa trong phòng khách rộng rãi của một căn hộ ở Thượng Hải.
Trên tường là màn hình máy chiếu đang phát những bộ phim truyền hình kinh điển. Rải rác trên bàn là những ly rượu và nhiều loại cocktail khác nhau. Thoạt nhìn có vẻ như một bữa tiệc tại gia, nhưng thực ra đây đều là những người xa lạ muốn tận hưởng một loại hình mới đang làm mưa làm gió ở Thượng Hải: quán bar mở tại nhà riêng.
Hầu hết quán mới xuất hiện trong những năm gần đây, đều thu phí vào cửa khoảng 14-42 USD. Khi vào trong, khách được uống tùy thích, từ 19h-2h ngày hôm sau. Trái ngược với sự hối hả và nhộn nhịp ở các quán bar truyền thống Thượng Hải, những quán bar này dành cho người muốn tìm không gian thư giãn nhẹ nhàng.
Ah-One, 44 tuổi, là chủ một quán bar tại nhà ở Thượng Hải. Người đàn ông từng 17 năm làm giám đốc bán hàng kỹ thuật số nảy ra ý tưởng khởi nghiệp khi đọc về “căn bếp riêng tư”, trên một nền tảng về phong cách sống Trung Quốc. Ở đây, đầu bếp mời các nhóm nhỏ thực khách trả tiền vào nhà họ. Nó gợi cho Ah-One về khái niệm tương tự áp dụng cho quán rượu.
Sau khi thêm vài tấm thảm vào phòng khách, anh mở thử nghiệm quán bar tại nhà vào tháng 10 năm ngoái, thu phí vào cửa khoảng 20 USD một người. Ngay sau khi đăng thông tin về quán của mình, anh nhận được tin nhắn hỏi thêm về dịch vụ.
Đêm khai trương, Ah-One ngạc nhiên khi 7 người đợi trước cửa nhà: Hai đôi quen nhau, hai bạn nữ và một phụ nữ đi một mình. Khi buổi tối trôi qua, hai cặp đôi trò chuyện sôi nổi, trong khi chủ nhà tiếp chuyện ba người còn lại.
Anh nhận ra khách hàng lý tưởng cho quán bar tại nhà là những người làm việc văn phòng – những người muốn giao lưu nhưng thấy mình lạc lõng với các quán bar hay CLB ở thành phố. ”Nó phù hợp với những người đấu tranh với chứng lo âu xã hội. Họ cho biết thấy bớt tự ti hoặc lo lắng hơn về bản thân”, anh nói.
Ngay cả dịp Tết, quán bar tại nhà của Ah-One vẫn đón ít nhất 20 khách mỗi đêm. Họ là lao động nhập cư không thể về nhà vì công việc hoặc không mua được vé tàu. Những người khác đến đơn giản để không phải gặp người nhà. ”Với nhiều người, những quán bar này giống một ngôi nhà”, chủ quán nói.
Qing’er, một sinh viên vừa tốt nghiệp, 25 tuổi mới bắt đầu làm việc ở Thượng Hải quyết định đến quán bar tại nhà với nỗ lực mở rộng mối quan hệ xã hội. 20 phút đầu tiên, không ai nói chuyện. Tuy nhiên, sau vài ly rượu, mọi người sôi nổi hơn và cuộc trò chuyện bắt đầu trôi chảy, đủ chủ đề từ vấn đề công việc đến các cung hoàng đạo và bài kiểm tra tính cách được chia sẻ.
”Ở trong một không gian tương đối hạn chế, không thể không hòa nhập và tương tác với người lạ”, cô nói.
Ah-One cho biết khách hàng tiềm năng thường là người lo lắng khi nói chuyện với người lạ, thậm chí một số người còn yêu cầu anh đi cùng họ cả đêm. Anh phá băng giữa những khách hàng bằng cách dẫn dắt các trò chơi và cẩn thận chọn các bộ phim để tạo ra bầu không khí vui vẻ. ”Thực tế thì những người tự cho mình là người hướng nội thường trở thành linh hồn của bữa tiệc nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ”, anh nói.
Sau thành công ban đầu, Ah-One quyết định nghỉ việc và điều hành quán bar toàn thời gian. Quán đón 40-60 khách hàng mỗi đêm và trở thành điểm đến hàng đầu cho những người độc thân đang tìm kiếm tình yêu.
Mặc dù ban đầu e ngại việc đến quán bar tại nhà một mình, nhưng Qing’er cho biết cô thấy chúng an toàn hơn nhiều so với các hộp đêm truyền thống. Không gian nhỏ gọn nên ít có hành vi đáng ngờ hơn. Chủ quán cũng cư xử như một chủ nhà vui tính.
Xiaobo bắt đầu ghé thăm quán bar tại nhà sau khi trải qua một cuộc chia tay khó khăn. ”Nếu uống rượu bất tỉnh và ngã xuống đất trong quán bar bình thường sẽ không ai để ý, nhưng ở đây mọi người sẽ chăm sóc bạn”, chàng trai 26 tuổi, nói.
Zhang Yu, 20 tuổi, chủ một quán bar tại nhà cho biết nơi đây cũng là không gian lý tưởng cho những ai muốn trút bực bội với những người hoàn toàn xa lạ
Anh kể có lần một người đàn ông đã chạy lên ban công căn hộ tầng 25 của mình để hét lên những lời bực bội về sếp. ”Với tôi, họ không chỉ là khách mà còn là những người bạn cùng trải qua áp lực trong cuộc sống hiện đại”, Zhang nói.
Tuy nhiên, điều hành một địa điểm giải trí như quán bar, CLB khiêu vũ hoặc Karaoke trong khu dân cư không được cấp phép ở Thượng Hải. Nhiều chủ quán bar cũng cho biết họ bị hàng xóm phàn nàn vì tiếng ồn.
Lần đầu tiên cảnh sát đến quán, Ah-One nói đang tổ chức một bữa tiệc. Tuy nhiên, sau đó, anh quyết định bắt đầu điều hành doanh nghiệp một cách hợp pháp để đảm bảo sự phát triển lâu dài. Ah – One chuyển đến một không gian trong một tòa nhà thương mại, nâng cấp thiết bị của mình và xin các giấy phép cần thiết.
Nhật Minh (Theo Sixthtone)