Các làng nghề truyền thống không chỉ đóng góp về mặt kinh tế mà còn là những kho tàng văn hóa phong phú. Trong bối cảnh giao lưu hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay, những cách tiếp cận mới với nguồn di sản văn hóa giàu tiềm năng kinh tế này chắc chắn sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước, đem tới cho họ trải nghiệm thú vị đồng thời kích thích họ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Khách du lịch quốc tế thích thú với trải nghiệm làm sơn mài. Ảnh: THU HẰNG
Chỉ với từ 70 đến 300 nghìn đồng, du khách nước ngoài đã có cơ hội trải nghiệm cảm giác trở thành một người làm gốm, chạm vào bàn xoay, tự tay vuốt, nặn và tạo hình, thả men truyền thống trên gốm, rồi hồi hộp đợi nung, hay được hướng dẫn tìm hiểu và thử làm một nghệ nhân sơn mài trong vòng hai giờ đồng hồ và cầm luôn sản phẩm theo về…
“Vui chơi ra sản phẩm”
Đây là “slogan” của họa sĩ Trần Công Dũng, người đã nhiều năm duy trì xưởng sơn mài với đa dạng sản phẩm mỹ nghệ, trang trí tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), cách trung tâm TP Hà Nội chừng 16 km. Đây hiện là nơi duy nhất trong làng nghề cung cấp dịch vụ tìm hiểu và trải nghiệm với kỹ thuật làm sơn mài của Việt Nam. Ý tưởng này đến từ một công ty chuyên khai thác nguồn khách du lịch từ nước Pháp, họ đã gặp anh và cùng bàn thảo cách thức hiện thực hóa từ năm 2015.
Mỗi sản phẩm sơn mài truyền thống đều trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, như bó hom vóc, tạo hình, gắn vỏ trứng, vàng quỳ, bạc quỳ, các nguyên liệu tạo mầu khác, trang trí, mài… Công đoạn nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề cao của người thợ. May mắn là ở làng nghề như Hạ Thái, cả làng là một dây chuyền sản xuất khép kín, mỗi hộ/nhóm họ phụ trách một hoặc một vài công đoạn. Chính vì thế, anh Dũng có điều kiện phát triển ý tưởng đặc sắc này.
Trong vòng hai giờ đồng hồ, khách sẽ được làm quen với tấm vóc vuông hoặc tròn, có kích thước cạnh hoặc đường kính là 20 cm. Sau khi nghe giới thiệu về sơn mài Việt Nam, khách sẽ trải nghiệm với việc gắn vỏ trứng lên tấm vóc. Họa sĩ hướng dẫn khách dùng bút lông quệt sơn keo vào phần cần được gắn vỏ trứng, lấy vỏ trứng đặt lên rồi dùng đầu ngón tay ấn nhẹ, đợi cho keo se khô rồi dùng búa cỡ nhỏ gõ cho vỏ trứng bám chặt hơn, vụn dần ra. Cứ thế, trong không khí riêng có của làng nghề sơn mài với mùi sơn bảng lảng khắp thôn xóm, giữa tiếng búa lách cách vui tai, du khách cứ tỉ mẩn, kiên nhẫn từng chút một để cuối cùng, một bức sơn mài nhỏ xinh hình con cú mèo tinh anh, cận cảnh bông hoa hồng ấn tượng, đôi mèo đuôi cong duyên dáng… hiện ra và được cầm theo tay về nhà.
Giàu tiềm năng phát triển
Cho đến nay, mô hình này được nhiều công ty du lịch kết hợp làm cùng anh Dũng, góp phần tạo thêm công việc cho các xưởng sản xuất trong làng nghề. Hiện tại, mô hình đã được nhân rộng tới Hội An – điểm đến du lịch hấp dẫn khách quốc tế. “Nhưng thú vị hơn là ngày càng có nhiều khách nội địa đến với xưởng. Nhất là các học sinh. Có lần, một trường phổ thông đưa học sinh đến xưởng trải nghiệm. Cô giáo trong đoàn tâm sự, trước đây mỗi lần tổ chức cho các em trải nghiệm thực tế, chỉ biết đưa ra đồng ruộng tập cấy cày, phát sinh nhiều yếu tố không an toàn. Từ khi biết đến xưởng sơn mài ở làng nghề truyền thống, các em rất hào hứng trải nghiệm vì bản thân các em được tự tay làm và mang sản phẩm về” – Anh Dũng cho biết.
Mô hình để khách du lịch trải nghiệm với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã và đang được nhân rộng ở làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Khách cũng được làm quen với các công đoạn tạo hình đồ gốm trên bàn xoay hoặc tự tay tạo hình theo cách riêng. Có xưởng còn cải tiến rút ngắn thời gian nung gốm để khách có thể được mang đồ về trong ngày; trong khoảng thời gian đợi, họ có thể đi tham quan nhiều điểm khác trong làng. Điều thú vị tương tự như ở xưởng sơn mài của họa sĩ Trần Công Dũng là giờ đây, trong số người mong muốn được trải nghiệm làm gốm Bát Tràng, không chỉ có du khách nước ngoài mà người Việt Nam, nhất là giới trẻ và các em thiếu nhi ngày một đông đảo hơn.
Cả nước hiện có gần ba nghìn làng nghề với 53 nhóm nghề, trong đó có rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm, cùng với đó là những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di sản…, mang đến tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Trong mối quan hệ cộng sinh, nếu tất cả các bên từ người làng nghề, truyền thống làng nghề, du khách, các công ty lữ hành… cùng chung tay chia sẻ các mô hình kích thích tiêu dùng sản phẩm với phong phú các trải nghiệm thức thời cho khách tham quan trong và ngoài nước, không chỉ tạo ra lợi nhuận, những hoạt động đó sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống trong dòng chảy của đời sống đương đại.