Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Nghiên cứu vấn đề cải cách sâu sắc toàn diện hơn nữa và thúc đẩy hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc” diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 15 – 18/7 đang thu hút sự chú ý lớn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Sự kiện quan trọng
Hội nghị Trung ương 3 được tổ chức 5 năm một lần và thường được tổ chức một năm sau Đại hội Đảng toàn quốc. Tuy nhiên, Hội nghị lần này được tổ chức sau gần 2 năm, kể từ khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX bế mạc vào tháng 10/2022.
Hội nghị Trung ương 3 là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc và trong ký ức của người dân nước này. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI diễn ra vào năm 1978, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “khởi xướng công cuộc cải cách và mở cửa”, quyết sách đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bùng nổ, thần tốc của Trung Quốc trong hơn 4 thập kỷ qua.
Tống Lâm (Song Lin), nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc tại Ngân hàng ING có trụ sở tại Hà Lan cho rằng, Hội nghị Trung ương 3 lần này được triệu tập vào thời điểm rất quan trọng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách mới nhằm ổn định tăng trưởng, tiếp tục đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi bền vững hơn. Theo số liệu của ING, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, GDP của Trung Quốc trong quý I/2024 vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ, cao hơn kỳ vọng.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Hoàng Ích Bình (Huang Yiping) phát biểu trong một hội thảo mới đây lại cho rằng, vào thời điểm này cũng không thể kỳ vọng quá cao bởi môi trường tổng thể hiện nay là một “con lắc chính sách” với những thách thức then chốt đang thay đổi. Ông Hoàng Ích Bình nhấn mạnh, trong môi trường hiện nay, không nên mong đợi cuộc cải cách tự do hóa theo định hướng thị trường quá táo bạo.
Trong khi đó, ông Từ Thiên Thần (Xu Tianchen) – nhà phân tích cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) thuộc tập đoàn The Economist cũng cho rằng, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo Trunng Quốc cũng khó có thể đưa ra những cải cách mang tính đột phá như Hội nghị năm 1978 nhưng có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận cải cách từng bước.
Các vấn đề nghị sự
Trong bối cảnh đó, theo giới quan sát, những vấn đề trọng tâm được Hội nghị lần này tập trung bàn thảo bao gồm những cách thức thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất lao động, nghiên cứu và phát triển, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế và thực hiện chính sách công nghiệp, cải cách doanh nghiệp nhà nước và trao quyền cho khu vực tư nhân…
Theo Alexander Davey, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở châu Âu, thì tầm nhìn về hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc do “lực lượng sản xuất chất lượng mới” thúc đẩy sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Điều này cũng gần giống với Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, khi đó nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đề xuất “giải phóng lực lượng sản xuất” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra khuôn khổ cho các hoạt động của kinh tế thị trường theo mô hình Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị lần này có thể sẽ là kéo dài tuổi nghỉ hưu, cải cách tài chính, nới lỏng chế độ đất đai, chế độ thuế mới, mở cửa nền kinh tế hơn nữa và chính sách khuyến khích sinh đẻ…
Thay đổi trong bối cảnh mới
Theo EIU, những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt hiện nay đã khác với thời điểm Hội nghị Trung ương 3 năm 1978. Ở môi trường bên ngoài đó là mối quan hệ Trung-Mỹ còn có những khác biệt, cạnh tranh trong thương mại (hạn chế xuất khẩu, áp thuế pin ô tô, xe điện cao…), và cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà (sản xuất chip, chất bán dẫn, công nghệ 5G, khoa học không gian…)
Ở trong nước, việc sau hơn 40 năm phát triển kinh tế nhanh, mức độ phức tạp của các vấn đề và kỳ vọng của người dân Trung Quốc ngày nay cũng đã khác nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ dân số đang già đi, tỷ lệ sinh giảm… khiến Ấn Độ đã vượt qua trở thành nước đông dân nhất thế giới. Bên cạnh đó, theo eurasiareview.com, một đặc điểm của nền kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại trong phần lớn thời kỳ cải cách là mức tiêu dùng tương đối yếu. Tỷ trọng tiêu dùng trong GDP chỉ đạt khoảng 56% vào năm 2023, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình của thế giới…
Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển quan trọng, nhiều động lực tăng trưởng trước đây như vai trò là “công xưởng của thế giới”, trở thành nước có thu nhập trung bình… đã hoặc đang thay đổi với những mục tiêu phát triển cao hơn. Thúc đẩy đổi mới mang tính đột phá, giải phóng tiềm năng tiêu dùng, chia sẻ thành quả phát triển với người dân nhiều hơn và phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới… sẽ là một số hướng đi quan trọng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bàn bạc thấu đáo trong Hội nghị Trung ương lần này.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-trung-uong-3-khoa-xx-cua-trung-quoc-mo-huong-di-chien-luoc-moi-278921.html